Bộ TN&MT đã làm việc với Bộ Tư pháp và thống nhất lùi việc thực hiện quy định ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ.

Bo-TN-MT
Bộ TN&MT lùi thời hạn ghi tên thành viên gia đình trong sổ đỏ (Thông tư số 33). (Ảnh: Kim Long)

Tại buổi họp báo ngày 1/12, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà có thông tin về thông tư số 33 liên quan tới nội dung ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ.

Theo Bộ trưởng, do quy định ghi tên thành viên gia đình vào sổ đỏ (Khoản 5, Điều 6 Thông tư 33) còn có cách hiểu khác nhau nên Bộ đã quyết định chưa thực hiện quy định trên vào ngày 5/12 như dự kiến.

Hôm nay Bộ Tài nguyên đã làm việc với Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp và thống nhất lùi thực hiện Khoản 5 Điều 6 tại Thông tư 33. Khi cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ, truyền thông để người dân hiểu thì mới thực hiện quy định này“, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cho hay thông tư 33 xuất phát từ việc thực hiện Luật Đất đai và Nghị định 01/2017 ngày 6/1/2017 của Thủ tướng cần hướng dẫn một số điều của Nghị định bổ sung này. Bên cạnh đó, Thông tư có trách nhiệm thực hiện Khoản 2, Điều 98 của Luật Đất đai, Điều 101 và 212 của Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự không còn khái niệm hộ, chỉ còn luật Đất đai có khái niệm này. “Như vậy, chúng ta cần phải thực hiện quy định rõ hơn quyền hạn của từng cá nhân đối với đất đai và tài sản chung” – ông Hà nói.

Thực tế, trong quá trình giao dịch đã phát sinh nhiều khó khăn khi thực hiện việc bảo hộ quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình khi có những rủi ro trong quá trình giao dịch dân sự, bởi quyền sử dụng đất của từng thành viên trong hộ gia đình chưa được xác lập cụ thể. Do đó, Luật Đất đai cần quy định rõ ràng.

Phát sinh mâu thuẫn về quyền sử dụng của các thành viên trong gia đình khi giao dịch hiện nay nhức nhối, nhiều tranh chấp ở nhiều gia đình. Ngoài ra, nhiều vấn đề nợ xấu tòa án không thể xử lý, phát mại được. Ngay cả tòa án cũng lúng túng, đây là vấn đề hết sức nhức nhối” – Bộ trưởng cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thông tư số 33 có 3 thiếu sót khiến dư luận hiểu không đúng. Cụ thể:

  • Thông tư số 33 không thay thế thông tư số 23 mà chỉ sửa đổi một điều, đó là chủ thể là các hộ gia đình sử dụng chung đất đai;
  • Thông thư 33 chưa nêu rõ là đối với trường hợp chuyển tiếp trước khi có thông tư 33 và trước khi có Luật Đất đai 2013 thì hoàn toàn do các hộ gia đình tự nguyện. Các sổ đỏ trước đây hoàn toàn có hiệu lực;
  • Thông tư không nêu rõ ràng là trong trường hợp phát sinh các sự kiện pháp lý và hộ gia đình yêu cầu thì các cơ quan nhà nước mới thực hiện việc ghi này.

Trước đó, ngày 29/9/2017, Bộ TN&MT ban hành thông tư số 33 (có hiệu lực từ 5/12/2017) nhằm quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nghị định và các thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Thông tư có quy định “ghi tên tất cả thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ”, thay vì chỉ ghi một người đại diện như hiện hành – điều này vấp phải sự lo lắng khá lớn của dư luận và các chuyên gia trong ngành khi đa phần cho rằng chính sách mang tính vá lỗ hổng này có thể còn tạo thêm nhiều thủ tục và rào cản khác về vấn đề sở hữu vốn là hạn chế lớn nhất của thị trường bất động sản.

Trước ý kiến trái chiều về thông tư này, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT vào ngày 27/11, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết có những quy định ban hành ra thì người “trong ngành” hiểu ngay nhưng “bên ngoài mọi người chưa hiểu đúng ý của mình”.

Chúng tôi thấy cần rút kinh nghiệm, xin tiếp thu vì pháp luật về tài nguyên và môi trường rất rộng. Quan trọng nhất là làm sao để văn bản ra đời thì người dân cũng đều hiểu được dễ dàng” – Thứ trưởng cho hay.

Hoàng Minh

Xem thêm: