Bạn đồng nghiệp của tôi cần mua nhà. Sau nhiều trưa nắng chạy vạy, cuối cùng cũng chốt được 50 m2 chung cư cách nơi làm ngót 30 km. Quá nửa số tiền là đi vay nhưng điều khiến anh băn khoăn lại không nằm ở số nợ bình quân đang chia đều hàng tháng.

pha rung
Một gốc nghiến bị chặt từ ngày 20/3/2016 nhưng đến tháng 3/2017 vẫn đang rỉ nhựa. Nghiến thuộc nhóm IIA, cấm khai thác. (Nguồn: thanhtra.com.vn)

Chung cư “máu” – đó là danh từ người trong nghề dùng để chỉ chung cho những khu đô thị mà quá trình triển khai dự án cũng là quá trình viết ra lịch sử một cuộc cưỡng chế. Chưa đầy 10 năm trước, hàng nghìn nông dân bị đẩy ra khỏi đất sinh nhai bằng những phát súng chỉ thiên, dùi cui, gạch, đá… của lực lượng có lúc tới 3.000 người. Mức đền bù cao nhất dành cho hộ giao đất đúng tiến độ là 135 ngàn đồng/m2 (giá bán trên bản vẽ từ 20 – 40 triệu đồng/m2). Đối với mỗi hộ bị thu hồi 100% đất nông nghiệp, chủ đầu tư sẽ nhận 1 lao động phổ thông vào làm việc, số lượng giới hạn 3.000 người.

Khu vực sinh thái rộng tới hơn 110 ha cây xanh, hồ nước (chưa bao gồm diện tích mặt nước tự nhiên) trong khu đô thị, nay là nơi làm việc của hàng nghìn người nông dân từng mất 100% đất ngày đó. Một mũi tên trúng nhiều đích. Không gian xanh trở thành điểm cộng cho dự án của chủ đầu tư. Nông dân mất đất vì để giữ miếng cơm đã thôi không còn tranh đấu. Nhưng ai đã một lần dạo bước trong khuôn viên đó, dễ dàng nhận thấy rất nhiều những thân lớn vài người ôm, rễ như móng rồng cuộn quanh gốc. Chúng không đơn thuần được đưa ra từ vườn ươm. Như những thợ làm vườn lầm lũi ngay trên đất mình, những cây gỗ xù xì cũng xa lạ với những ụ đất cố tình đắp nổi, trảng cỏ xanh mịn. Nơi hàng nghìn gốc xà cừ giữa phố còn bị đốn ngang nhiên, còn nơi nào còn nhiều gốc cổ thụ đến thế để cây có thể bị trảy về?

Tháng 4/2018, 3 cây đa “quái thú” bị bỏ lại Huế sau khi bị lực lượng chức năng kiểm tra. Theo trích xuất thiết bị giám sát hành trình, 3 chiếc xe chở cây khổng lồ (mỗi cây dài hơn 15m, chu vi 6m) đã dễ dàng vượt hơn chục trạm tuần tra, kiểm soát của 7 tỉnh trước khi bị giữ tại Huế. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk nói chung chung vị trí cây gỗ là ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk, đợi xác minh mới biết là cây rừng hay cây nhà. Giám đốc công ty nhận chở cây xác nhận rồi lại bác bỏ thông tin cây được chở cho tướng Nguyễn Hữu Dánh, nguyên Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an).

Chở cho tướng hay chở cho chùa ngoài Hà Nội? Chỉ biết sau 3 tuần bị bắt giữ, truy vấn nguồn gốc rầm rĩ tới nỗi cả 3 Bộ: Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT phải vào cuộc xác minh theo lệnh của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, thì cả ba cây được… trồng tạm ngay bên vệ đường tuyến QL1A đoạn tránh TP Huế.

“Bứng cổ thụ rừng về làm cảnh” đã không còn là đề tài xa lạ với báo chí từ hai chục năm trước. Có cầu ắt có cung. Thú vui sân si trị giá từ vài trăm triệu đến nhiều tỷ đồng bật đèn cho cơn sốt lùng sục cây đại thụ khắp các ngóc ngách rừng sâu. Trong bài viết “Vào rừng cấm bứng cổ thụ” do Tuổi trẻ đăng năm 2010, những cái tên vườn quốc gia Yok Đôn, vườn quốc gia Chư Yang Sin, Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka (cùng ở Đắk Lắk) được nhắc đến. Những cây đa, sanh, sung, lộc vừng…, cây to nhất đường kính 2-3 người ôm, cao chục mét, cây nhỏ đường kính 30 cm, cao 3-4m được bứng ra khỏi rừng, đứng trơ trọi giữa lòng thành phố.

Đó không chỉ là bứng cây. Đó là phá rừng kiểu tận diệt. Bởi đào được một cây thì nhiều cây phải chết theo. Bứng được bộ đế rễ cây cổ thụ thì hàng loạt cây lớn nhỏ xung quanh phải đốn hạ, chưa kể kéo cây ra khỏi rừng cũng sẽ san bằng các loại cây khác.

pha rung
Một cây gỗ nghiến cổ thụ khoảng 200 năm tuổi trong Vườn Quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn) bị chặt hạ vào cuối tháng 10/2016, đến tháng 3/2017 đang trong tình trạng bị mục nát. (Nguồn: thanhtra.com.vn)

Cây gỗ chứ có phải cái kim đâu mà không phát hiện ra. Sau này địa phương nào để xảy ra phá rừng phải xử lý nghiêm người có trách nhiệm trên địa bàn từ Bí thư, chủ tịch xã đến huyện, kiểm lâm… Làm sao mà phá rừng đến mấy tháng không phát hiện ra?” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại hội nghị trực tuyến từ Chính phủ đến 63 tỉnh thành về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện cuối năm 2017.

Nhưng giữa Hà Nội, trên đại lộ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, chợ cổ thụ và cây rừng ở Hòa Lạc rộng hàng chục ha, nổi tiếng khắp cả nước vẫn tồn tại công khai hàng chục năm.

Biệt phủ 80 m3 gỗ cất trên thửa đất rộng 2.000 m2 của Chi cục trưởng kiểm lâm Quảng Trị, sau hơn 3 năm kể từ ngày khởi công mới được chú ý. Báo chí, dư luận xôn xao, Chủ tịch UBND tỉnh mới yêu cầu báo cáo.

Người Cơ Tu (Quảng Nam, Huế, Đà Nẵng) yêu rừng, sợ rừng. Nếu đầu năm chưa khai hội tạ ơn rừng thì người trong bản không được trao đổi buôn bán với bên ngoài hay gieo giống vụ mới. Muốn lấy cây dựng nhà phải xin các yang (đấng thần linh của rừng), chặt cây to hay cây nhỏ đều phải xin, phải họp bàn dân làng và phải làm lễ cúng cẩn thận mới chặt được, mang về được.

Người Hà Nhì ở Y Tý (Bát Xát – Lào Cai) không chặt cây vào mùa cây đó sinh sản, chặt hạ 1 cây to thì phải trồng 1 cây non bên cạnh, xin 5 cây thì chỉ được chặt đúng 5 cây, hạ 1 cây xuống thì phải tìm cách tốt nhất để không đè chết nhiều cây con…

Người yêu rừng sẽ biết xót xa khi cây rừng đổ máu. Bứng cây rừng về trồng, xẻ thịt rừng làm nhà, thì ngoài kia từng vạt rừng hoang tàn, liệu rừng có còn chở che, nuôi sống họ? Vì sao căn biệt phủ của Chi cục trưởng kiểm lâm Quảng Trị lại làm người ta để tâm nhiều đến thế? Bởi ngay cả khi nguồn gốc xuất xứ cây gỗ là hợp lệ, thì người làm rừng, bảo vệ rừng nào đã từng ăn ngủ ngoài rừng để đếm từng gốc cây, trông chừng từng con thú… lại có thể ham hưởng sống trong ngôi nhà được xẻ từ máu của rừng ra như vậy? Đó là cái mạch huyết tinh thần, là đạo lý mà chỉ người sống cùng rừng mới hiểu.

Như những người cô thế bị đẩy ra khỏi nhà, chung cư “máu” mọc lên trên nền đất chất chứa một chuỗi dài lịch sử oan khiên, cây rừng cũng đang chết vì người sống. Cây không thể nói như người, nhưng hiện thực hôm nay là hàng chục, hàng trăm xác người vùi trong lũ. Gỗ “máu” không màu nhưng lũ đỏ, bùn đỏ. Đôi bàn tay vạy vọ đẫm máu rừng sau nhiều ngày bới đất tìm vợ con. Nhưng đôi tay đó, thân người đó, toàn của những người cả đời loanh quanh ở bản. Có lũ quét nào tràn xuống biệt phủ dưới phố bao giờ?

“Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát

Con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo

Con người Cơ Tu cần mẹ rừng che chở

Cho dân làng ta sinh sôi, nảy nở

Cho mùa màng ta luôn bội thu

Cho người Cơ Tu khắp muôn nơi mãi mãi trường tồn…” (Hát lý của người Cơ Tu)

Lê Trai

Xem thêm: