Đề xuất điều chỉnh quy hoạch 1ha hồ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) thành đất xây nhà tái định cư tại chỗ của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đang nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia và cộng đồng.

ho thanh cong 18
Hồ và công viên Thành Công không chỉ là “lá phổi” của khu vực Thành Công mà còn là không gian đô thị xanh của cả khu vực Láng Hạ, Đống Đa. (Ảnh: Khánh Minh)

Tại Hội thảo khoa học về cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội được tổ chức ngày 4/4, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico – đơn vị được thành phố giao cải tạo chung cư cũ Thành Công, quận Ba Đình) đã đề xuất giải pháp lấy một phần diện tích hồ Thành Công để thực hiện tái định cư tại chỗ, đồng thời đề xuất nâng tầng chung cư.

Cụ thể, Vihajico đề xuất với UBND TP. Hà Nội cho phép lấy 1ha hồ Thành Công để tạo đất xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công cũ thuộc diện cải tạo: “Hồ Thành Công có diện tích 10ha, tôi xin điều chỉnh quy hoạch hồ khoảng 1ha, sau đó chúng tôi sẽ trả lại diện tích mặt nước trong quy hoạch mới”, đại diện chủ đầu tư nói tại buổi hội thảo.

Theo chủ đầu tư, diện tích mặt nước tại hồ sẽ không bị thay đổi khi doanh nghiệp hoán đổi 1ha trong phạm vi công viên và hồ Thành Công để xây dựng nhà tái định cư tại chỗ cho người dân, sau đó doanh nghiệp sẽ hoàn lại bằng cách điều chỉnh mở rộng ranh giới hồ vào trong khu dân cư mới.

ho thanh cong 19
Không gian xanh tại hồ và công viên Thành Công.

Theo đại diện Vihajico, đây là phương án “táo bạo” nhưng sau gần 8 tháng khảo sát, phía công ty cho hay đã có 91% người dân chấp thuận phương án này vì đơn vị thi công vừa có mặt bằng làm cuốn chiếu và người dân không phải rời tạm cư ở nơi khác mà sẽ được theo dõi nhà tái định cư được xây dựng như thế nào.

Với 9% còn lại, Vihajico đưa ra hai phương án giãn dân gồm: một là đưa người dân về Khu đô thị Ecopark, hai là về khu nhà ở xã hội Cổ Bi mà doanh nghiệp này đang được thành phố giao nhiệm vụ phát triển.

Đại diện chủ đầu tư cho hay: “Khi người dân đồng ý chuyển sang nhà tái định cư tại chỗ, chủ đầu tư mới tính phương án cải tạo chung cư cũ, mà không mất nhiều thời gian cho việc giải phóng mặt bằng, đền bù”.

Cùng với giải pháp xin điều chỉnh quy hoạch 1ha hồ Thành Công làm đất thực hiện tái định cư tại chỗ, Vihajico cũng đề xuất xây khối nhà ở tái định cư có chiều cao bình quân 24 tầng và khối nhà thương mại tăng tối đa đến 35 tầng để “tạo điểm nhấn và giúp tăng lợi ích tài chính cho nhà đầu tư”.

ho thanh cong 20
Công viên Thành Công rộng và đẹp, xung quanh hồ có đường đi, được kè đá cẩn thận.

Trước đó, tháng 9/2016, Vihajico được UBND TP. Hà Nội giao nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 toàn khu tập thể Thành Công với diện tích khoảng 23ha và số lượng nhà chung cư cũ là 67 nhà cao 2-5 tầng. Theo Vihajico, các phương án đề xuất đã được công ty làm việc chặt chẽ với đơn vị tư vấn uy tín Singapore.

ho thanh cong 21
Vihajico được TP. Hà Nội giao cải tạo chung cư cũ Thành Công (quận Ba Đình).

Đề xuất của Vihajico khiến nhiều chuyên gia và người dân bất ngờ bởi trong khi nhiều nước trên thế giới đang lấy thêm quỹ đất để xây hồ, trồng cây xanh thì doanh nghiệp lại đề xuất giải pháp ngược lại. Hồ và công viên Thành Công không chỉ giữ vai trò là “lá phổi” của khu vực Thành Công mà còn là hồ điều hòa, không gian đô thị xanh của cả khu vực rộng lớn Láng Hạ, Đống Đa của TP. Hà Nội.

Phản hồi lại những ý kiến trái chiều sau khi đề xuất phương án, thông cáo của Vihajico ghi: “Doanh nghiệp sẽ hoàn trả đúng diện tích công viên và hồ Thành Công vào trong ranh giới quy hoạch được giao, đảm bảo tỷ lệ cây xanh, mặt nước đô thị theo đúng quy hoạch phân khu. Thực tế, diện tích mặt nước hoàn toàn không thay đổi so với diện tích cũ, đồng thời lại khai thác cảnh quan hồ Thành Công cho khu vực được hiệu quả hơn rất nhiều do gắn kết công viên hồ với cộng đồng dân cư trong đô thị”.

Nhìn nhận về đề xuất của doanh nghiệp, TS. Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng việc cải tạo chung cư cũ của thành phố phải tuân thủ theo quy hoạch, trong khi yêu cầu của thành phố là cần tăng thêm không gian công cộng, cây xanh, mặt nước thì đề xuất lấp hồ đi chỉ vì mục tiêu cải tạo chung cư của Vihajico là không theo quy hoạch, không hợp lý.

Hồ Thành Công nằm trong khuôn viên Công viên Indira Gandhi (thuộc phường Thành Công, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) có diện tích hơn 8,6 ha; trong đó 5,9ha diện tích mặt nước. Công viên có vị trí “đắc địa” khi nằm ngay ngã tư, giáp hai trục đường chính là phố Láng Hạ và phố Huỳnh Thúc Kháng; nằm sát khu tập thể Thành Công, phố Nguyên Hồng. Công viên ban đầu có tên là công viên Thành Công, sau đó được đổi tên thành Indira Gandhi. Đây là địa điểm lý tưởng của rất nhiều người dân với các hoạt động thể dục thể thao, đi bộ, nghỉ ngơi, thư giãn,… Năm 2013, hồ được TP. Hà Nội giao cho UBND quận Ba Đình quản lý.

ho thanh cong 22
Nhiều người dân đủ mọi lứa tuổi tập thể dục, đi bộ, nghỉ ngơi, thư giãn,… vào sáng và chiều tại hồ Thành Công.

Theo Quyết định số 1495 của UBND TP. Hà Nội ngày 18/3/2014 về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quan điểm phát triển của thành phố là tối ưu hóa quỹ cây xanh, mặt nước tự nhiên; Tích hợp các giải pháp cảnh quan với các giải pháp môi trường như gắn liền các mặt nước hiện có thành các công viên, mảng xanh đô thị, kết hợp thoát nước mưa; Bảo tồn diện tích mặt nước hiện có và cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội,…

Cụ thể, đối với quy hoạch hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh và hồ, tại khu vực nội đô lịch sử (giới hạn bởi đường đê sông Hồng và đường vành đai 2, gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ), việc quy hoạch được thực hiện với các biện pháp: Nâng cấp, cải tạo các công viện hiện có; Đẩy mạnh các dự án cải tạo chung cư cũ nhằm giải quyết vấn đề về nhà ở, cải thiện điều kiện sống cho người dân đô thị, đồng thời có thêm quỹ đất cho cây xanh, trong đó, cây xanh trong các dự án cải tạo chung cư cũ đảm bảo các chỉ tiêu về cây xanh cấp đơn vị ở (chỉ tiêu khoảng 1 m2/người; chiếm khoảng 8-10% quỹ đất khu cải tạo).

Đối với hệ thống hồ và bảo tồn diện tích mặt nước, quy hoạch sẽ được thực hiện với việc kè và làm đường xung quanh hồ, áp dụng các giải pháp kỹ thuật để tạo dáng vẻ tự nhiên cho đường kè, hạn chế ảnh hưởng đến khả năng tự thấm hút của bờ hồ; Tổ chức cây xanh gắn với mặt nước theo hướng không gian mở, tiếp cận đa hướng, phục vụ cho các hoạt động, nghỉ ngơi, thư giãn của người dân đô thị.

Kiến Huy

Ảnh: Khánh Minh

Xem thêm: