Các vụ dân kiện quyết định của chủ tịch UBND diễn ra ở nhiều địa phương, nhưng không ít nơi lãnh đạo tránh tham gia đối thoại. Lý do được đưa ra là “bận công tác”, thiếu cấp phó…

Nguyễn Hòa Bình
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: thanhtra.com.vn)

Theo Thanh tra Chính phủ, ngày 22/8, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ 10 cho ý kiến về dự thảo báo cáo của Đoàn Giám sát của Ủy ban về việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính (TTHC) trong giải quyết các vụ án hành chính và thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND.

Theo dự thảo báo cáo giám sát, tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa có xu hướng ngày càng tăng qua các năm, năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2017, tỷ lệ không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa tăng gấp 3 lần so với trước khi thực hiện Luật TTHC 2015. Năm 2015 là 10,71%; năm 2016 là 21,93%; năm 2017 là 31,69%.

Đặc biệt, có những địa phương, sau khi Luật TTHC 2015 có hiệu lực thi hành, chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho Phó chủ tịch tham gia tố tụng. Sau đó, Phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.

Dự thảo báo cáo giám sát dẫn chứng trong 3 năm, TAND TP. Hà Nội xét xử 189 vụ án nhưng chưa có vụ án nào Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND TP tham gia tố tụng. Còn tại TP.HCM, năm 2017 có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt tại tòa án.

Lý do vắng mặt không tham gia tố tụng được là do UBND các địa phương đều “bận công tác” và do Luật TTHC 2015 thu hẹp phạm vi người được ủy quyền tham gia tố tụng (chỉ Phó Chủ tịch UBND) so với Luật TTHC 2010 dẫn đến khó khăn.

Qua giám sát cho thấy tình trạng không tham gia tố tụng, không tham gia các cuộc đối thoại với công dân, ngoài việc không tuân thủ pháp luật, làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân, còn làm mất cơ hội trao đổi, ghi nhận nguyện vọng của công dân.

Cũng tại phiên họp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay mỗi năm TP.HCM và Hà Nội có khoảng 2 nghìn vụ án hành chính, nếu ngày nào cũng xử 3 vụ thì phải có 3 Chủ tịch, Phó Chủ tịch ra dự tòa. Cho nên, “dù trách nhiệm bao nhiêu cũng không đủ người”.

Ngoài trách nhiệm thì phải có sự hợp lý của luật. Nhiều đoàn ĐBQH chất vấn Chánh án TAND Tối cao như đoàn Hà Nội, TP.HCM đề nghị Chánh án có nghị quyết riêng về quy định có mặt tại ra tòa của lãnh đạo TP. Chúng tôi trả lời không được vì vượt luật và sau đó đã phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sửa luật”, ông Bình cho biết.

Chánh án TAND Tối cao đề nghị, xem xét tính hợp lý của luật, cái gì hợp lý, cái gì không. Đặc biệt, là cơ chế giám sát trách nhiệm cung cấp tài liệu cho người dân, trách nhiệm tham gia tố tụng của các chủ tịch UBND.

Trao đổi vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi: Có 260/260 vụ không tổ chức đối thoại được do Chủ tịch UBND và đại diện UBND vắng mặt như vậy có tôn trọng luật của Quốc hội không? Có đúng nguyên nhân do không đủ cấp phó không?

Chẳng lẽ trong 3 năm trời ở một TP lớn không cử được một vị Phó nào cả? Chúng tôi xem tivi thấy các vị đi khởi công, đi động thổ, đi dự cuộc hội nghị ngành nọ, ngành kia. Sao không tham gia đối thoại được độ 10 vụ đi, cho gọi là có. Tại sao những hoạt động mang tính phong trào, khởi công, động thổ, những hoạt động khác lãnh đạo vẫn đi được?”, bà Nga nêu.

Đây là câu hỏi cử tri phản ánh với ĐBQH. Còn nói 260/260 vụ chúng tôi không thể nào cử được vì không đủ cấp phó thì có giải thích được không?” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Hoàng Minh

Xem thêm: