Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, quy định như vậy không có nghĩa các đối tượng này được trang bị ngay lập tức những loại vũ khí trên mà chỉ thực hiện khi có yêu cầu thực tiễn trong công tác.

>> Công an huyện có thể được xem xét trang bị tên lửa, trực thăng

thieu tuong gs ts nguyen minh duc uy vien thuong truc uy ban quoc phong va an ninh cua quoc hoi
Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức (Ảnh: Học viện CSND)

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho biết: Thông tư 17/2018 của Bộ Công an nhằm hướng dẫn thi hành một số điều Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018. Thông tư này có quy định Công an cấp huyện trở lên có thể được xem xét trang bị súng ngắn, súng trường, súng cối, súng ĐKZ, tên lửa chống tăng cá nhân, trực thăng vũ trang…

Tuy nhiên, theo ông, người dân và dư luận đang hiểu chưa chính xác về nội dung này.

“Quy định như vậy không có nghĩa các đối tượng này được trang bị ngay lập tức những loại vũ khí trên mà chỉ thực hiện khi có yêu cầu thực tiễn trong công tác. Chẳng hạn khi xảy ra bạo loạn, lực lượng quá khích tấn công trụ sở chính quyền, tấn công người dân hay các nhóm đối tượng phỉ, phản động, buôn bán ma túy tập trung đông người, sử dụng vũ khí tấn công lực lượng chức năng…”, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức giải thích.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, việc quy định trang bị vũ khí cho lực lượng Công an như trong Thông tư 17 để đảm bảo khi xảy ra các nguy cơ, tình huống khẩn cấp, tấn công bằng vũ khí nóng… lực lượng công an sẽ được trang bị ngay vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để giải quyết kịp thời tình huống đó chứ không phải trang bị ngay.

“Nếu xảy ra tình huống đó, lực lượng công an xã, huyện sẽ phải tham gia giải quyết ngay tình hình còn lực lượng của tỉnh, Bộ sẽ điều động đến sau. Do đó, để ứng phó kịp thời tình hình, xử lý tình huống cần có cơ sở pháp lý để trang bị ngay các loại súng cho lực lượng công an xã, huyện còn trong thời điểm bình thường không có chuyện trang bị, hay cho họ sử dụng vũ khí“, tướng Đức giải thích thêm.

Ông cũng cho biết việc sử dụng vũ khí thì phải tuân theo Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Đối với việc trang bị trực thăng vũ trang cho công an huyện trở lên, Thiếu tướng Đức giải thích, chỉ được thực hiện khi xảy ra tình huống khẩn cấp như biểu tình, bạo loạn, các đối tượng đập phá, quây đường sá khiến giao thông tê liệt, ôtô không đến được hay tình huống cháy nổ nguy hiểm.

Tuấn Minh

Xem thêm: