Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, áp thấp nhiệt đới trong các ngày từ 2/11 đến 6/11 đã gây mưa lớn và kéo dài trên diện rộng, làm trên 2.000ha rau, màu, cây trồng tại đây bị thiệt hại.

lam-dong-san-xuat-nong-nghiep-thiet-hai-nang-sau-mua-lu
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng bị thiệt hại nặng sau mưa lũ.

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày khiến nhiều khu vực của tỉnh Lâm Đồng bị ngập nặng, nhiều diện tích canh tác nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng.

Trong đó, huyện Đơn Dương – vùng rau trọng điểm của Lâm Đồng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với trên 2.000ha rau, màu bị ngập. Theo ghi nhận, 739ha rau màu bị thiệt hại là do hồ thủy điện xả lũ, thiệt hại ước tính lên đến 36,1 tỷ đồng. Mưa lũ còn làm đập dâng Tám Muống (xã P’Róh), kênh dẫn đập dâng Mrăng 2 (xã Lạc Lâm), kênh N4-B (thị trấn Thạnh Mỹ) cùng nhiều tuyến đường giao thông của huyện bị hư hại nặng; 20 căn nhà dân bị ngập, trong đó một căn bị sập và 3 căn bị đất sạt gây sập tường.

Tại huyện Lạc Dương, hơn 132ha rau, hoa, cây trồng của người dân và doanh nghiệp tại xã Đạ Chais bị nhấn chìm, 4 cây cầu bị hư hỏng nặng, người dân và các phương tiện không thể lưu thông.

Tại huyện Đức Trọng, khoảng 50ha rau, màu, tiêu, cà phê của người dân tại các xã Ninh Gia, Liên Nghĩa, Phú Hội và Tân Thành bị ngập. Trong đó, xã Ninh Gia có 5 căn nhà và 15 chòi canh vườn bị ngập sâu trong nước; 2 cây cầu tại xã Phú Hội và Đa Quynh bị ngập, hư hại nặng làm giao thông bị gián đoạn trong 3-7 ngày.

lam-dong-san-xuat-nong-nghiep-thiet-hai-nang-sau-mua-lu-2
Ruộng cà tiêu điều trong mưa lũ.

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày cũng gây sạt lở đất đá tại nhiều đoạn trên tuyến đường đèo Khánh Vĩnh – Khánh Lê thuộc địa phận 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa gây chia cắt giao thông. Sáng ngày 3/11, các phương tiện giao thông hai chiều qua đây buộc phải tạm dừng và được khuyến cáo nên đổi sang đường đèo Ngoạn Mục đi Đơn Dương – Ninh Thuận.

Ngày 4/11, trước tình hình nước lũ dâng cao, hầu hết các nhà máy thủy điện tại tỉnh Lâm Đồng đã xả lũ. Trong đó, 2 nhà máy thủy điện lớn nhất Nam Tây Nguyên là Đa Nhim đã mở nước xả lũ 4 cửa với lưu lượng 800 m3/s và thủy điện Đại Ninh với lưu lượng 720 m3/s.

Hải Linh

Xem thêm: