Đó là ý kiến của ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói về việc xây dựng nhà hát 1.500 tỷ đồng tại Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM).

luu binh nhuong
ĐB Lưu Bình Nhưỡng. (Ảnh: quochoi.vn)

Chiều ngày 29/10, Quốc hội tổ chức phiên thảo luận về ngân sách, đầu tư công.

Tại phiên thảo luận, hai đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) và ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) tranh luận chủ đề xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM).

ĐB Nhưỡng cho biết gần đây báo chí công luận có nêu rất nhiều địa phương đề nghị xin xây trung tâm hội nghị, nhà văn hóa. Gần đây nhất chúng tôi có nhận được báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội của TP.HCM về Thủ Thiêm.

Tôi càng nghiên cứu báo cáo càng thấy nao núng” – ĐB Nhưỡng nói.

Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ nên có một thái độ quyết liệt, không nên “dĩ hòa vi quý” về những câu chuyện xây trụ sở to, các nhà văn hóa.

Không phải xây nhà hát là để tạo điểm nhấn, và càng không nên xây lúc này khi lòng người dân cả nước và dân Thủ Thiêm chưa yên.

Đầu tư vào giao thông, y tế, giáo dục thì không biết bao nhiêu là đủ. TP.HCM bảo đầu tư rất nhiều rồi cho nên bây giờ có thể đầu tư nhà hát có 1.500 tỷ thôi. Tôi cho rằng giải thích như thế không ổn” – ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.

Từ phân tích trên, ĐB Nhưỡng đề nghị “Thủ tướng và Chính phủ xem xét cẩn trọng các vấn đề của các địa phương hiện nay, có những vấn đề không cần thiết thì chúng ta cương quyết dừng. Không dĩ hòa vi quý”.

Tranh luận với ĐB Nhưỡng, ĐB Quyết Tâm cho hay “chúng tôi xin nói rằng việc cân đối ngân sách để xây dựng nhà hát thì lãnh đạo thành phố, HĐND đã cân đối, đảm bảo trong sự phát triển hài hòa của thành phố. Chúng tôi vẫn đầu tư cho các lĩnh vực và trong đó có lĩnh vực văn hóa, một việc mà lãnh đạo thành phố và Ban chấp hành thành phố trong các kỳ đại hội đều nhận định chưa có đầu tư đúng mức“.

Vị ĐB này cho biết thêm đây là dự án đã được Chính phủ phê duyệt trong phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, trong đó có nêu dự án nhà hát giao hưởng – nhạc và vũ kịch là dự án ưu tiên đầu tư bằng nguồn ngân sách thành phố trong giai đoạn này, giai đoạn 2011 – 2015. Tuy nhiên, do chưa xác định vị trí tạo sự đồng thuận, còn ý kiến khác nhau nên đến nay HĐND thành phố mới quyết định xây dựng.

Chủ tịch HĐND TP. HCM thông tin sau khi có chủ trương đầu tư, thành phố dự kiến từ một đến 5 năm mới có thể hoàn thành nhà hát giao hưởng này; vốn được giải ngân theo từng giai đoạn.

Còn vấn đề triển khai kết luận của Thanh tra Chính phủ về vướng mắc, khiếu nại đất đai tại Khu đô thị Thủ Thiêm, lãnh đạo thành phố đang giải quyết theo quy định của pháp luật. Ban thường vụ TP.HCM cũng tập trung giải quyết vấn đề này” – bà Tâm nói.

Hoàng Minh

Xem thêm: