Theo thông báo mới từ người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đang ở tình trạng nguy cơ thấp lây nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), do đó, trừ hoạt động kinh doanh vũ trường, karaoke và yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng, các hoạt động được khôi phục trở lại.

ban hang rong pho co ha noi
Một người bán hàng rong ở phố cổ Hà Nội, tháng 5/2019. (Ảnh minh họa: Visual Intermezzo/Shutterstock)

Cách ly người nhập cảnh, yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng

Tại cuộc họp sáng 7/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sau 21 ngày không có ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, Việt Nam đang ở tình trạng nguy cơ thấp đối với dịch COVID-19, song tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực châu Á, Đông Nam Á diễn biến phức tạp.

Một số giải pháp ngừa dịch cộng đồng tiếp tục được yêu cầu thực hiện như người ở nước ngoài về phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày, trừ trường hợp chuyên gia, công nhân lành nghề, nhà đầu tư sẽ có phương thức cách ly tại chỗ phù hợp.

Các nhóm phản ứng nhanh tại Ban chỉ đạo các cấp tiếp tục được duy trì để dự báo và thu thập dữ liệu để phát hiện nhanh các trường hợp dương tính, các trường hợp tiếp xúc gần, để kịp khoanh vùng, cách ly, dập dịch.

Người dân vẫn được yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng và trên phương tiện hành khách công cộng đông người. Ngoài ra, khuyến cáo mọi người rửa tay, bảo đảm vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc ở nơi đông người.

Khôi phục kinh doanh, không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang

Ông Phúc cho biết người dân và doanh nghiệp “xác lập tình trạng bình thường mới trong cuộc sống và các hoạt động kinh tế-xã hội để dần trở lại bình thường”.

Cụ thể, cho phép mở các dịch vụ kinh doanh dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường, trừ vũ trường và karaoke, và phải đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn).

Bỏ giới hạn về số chỗ trên các phương tiện giao thông công cộng (máy bay, xe khách, tàu hỏa, tàu thủy…) nhưng yêu cầu bắt buộc hành khách đeo khẩu trang.

Cho phép tổ chức một số hoạt động thể thao, sự kiện tập trung đông người…, khuyến cáo đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp học, giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay; định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí.

Yêu cầu nhà trường tăng cường các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng, lớp học, nhà vệ sinh; không bắt buộc thực hiện giãn cách trong lớp học… Đồng thời, ngành giáo dục, các địa phương được yêu cầu lập kế hoạch tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm nay.

Mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở; khởi động dịch vụ du lịch

Về thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, Thủ tướng đồng ý cho phép mở lại một số cửa khẩu phụ, lối mở theo đề xuất của tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Việc mở các cửa khẩu phụ, lối mở khác do UBND các tỉnh biên giới quyết định căn cứ tình hình thực tế của địa phương, bảo đảm quy trình kiểm soát phòng, chống dịch bệnh.

Chỉ khôi phục lại các cửa khẩu phụ, lối mở có lưu lượng hàng hóa lớn, đặc biệt là hàng nông sản, thủy sản, hải sản xuất khẩu của Việt Nam và hàng nguyên liệu cấp thiết cho sản xuất trong nước.

Hoạt động du lịch nội địa được khởi động trở lại. Bộ VH-TT&DL được yêu cầu nhanh chóng hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch truyền thông các điểm đến an toàn, đẩy mạnh du lịch nội địa, nhất là mùa hè 2020. Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL được giao chuẩn bị phương án tái khởi động thị trường du lịch quốc tế vào thời điểm thích hợp.

Đầu tháng 4, Bộ Tài chính cho biết 16.200 tỷ đồng đã được chi từ nguồn ngân sách nhà nước trong dịch COVID-19, gồm:

  • Khoảng 9.500 tỷ đồng (cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) chi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế;
  • Khoảng 6.700 tỷ đồng chi chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch; chi tiền ăn cho người bị cách ly, chi khám chữa bệnh nền trong thời gian cách ly.
  • Khoảng 36.000 tỷ đồng chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho 6 nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm…

Dự kiến, trong thời gian tới, có thể tiếp tục phải tăng chi để phục hồi nền kinh tế.

Về thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính dự báo có thể giảm lớn nhưng vẫn phải đảm bảo chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh. Theo đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài. Riêng các cơ quan trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỷ đồng.

Bộ này cho biết đang đàm phán với một số tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… để vay 1 tỷ USD hỗ trợ ngân sách.

Gần đây, UBND TP.HCM cho biết tăng trưởng quý 1/2020 của TP chỉ đạt 0,42% so với cùng kỳ năm 2019 (7,64%), đạt 335.682 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 1986 đến nay, do đó, tổ chức họp bàn với doanh nghiệp để tìm giải pháp, hướng khôi phục kinh tế.

Nguyễn Quân