Theo kết quả kiểm tra chất lượng các nguồn nước ăn uống và sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM tháng 6/2019 của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, chỉ 50,16% mẫu nước đạt cả hai chỉ tiêu hóa lý và vi sinh.

chất lượng nước, chất lượng nước tại TPHCM, nước bẩn, nước kém chất lượng
Về chất lượng nước, chỉ 50,16% mẫu nước đạt tiêu chuẩn chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, theo kết quả kiểm tra tháng 6. Ảnh: Khu ổ chuột ở TP.HCM bên cạnh sông Sài Gòn. (Ảnh: Shutterstock)

Trong tổng số 1.276 mẫu nước được lấy trên địa bàn TP, 1.072 mẫu là nước chung cư, tiếp đến là nước máy trên mạng từ Tổng công ty cấp nước TP (72  mẫu), cơ sở không sử dụng nước giếng khoan cho mục đích sản xuất, chế biến thực phẩm (47 mẫu)…

Kết quả cho thấy 96,79% mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh, 50,86% mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý và 50,16% mẫu đạt cả hai chỉ tiêu hóa lý, vi sinh. Các mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý và vi sinh do chỉ tiêu Clo dư, pH, hàm lượng Amoni, Coliform và E.Coli.

Đáng chú ý, nước chung cư cho kết quả khá thấp. Trong 1.072 mẫu nước, chỉ 503 mẫu (46,92%) đạt chỉ tiêu hóa lý, 494 mẫu (46,08%) đạt cả 2 chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, 40 mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh.

Trong 16 mẫu nước máy qua bồn chứa, vệ tinh, chỉ 3 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý và 3 mẫu đạt cả 2 chỉ tiêu hóa lý và vi sinh.

Đối với nước giếng của hộ dân (tự khai thác), trong 21 mẫu nước lấy tại quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, chỉ có 6 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý; 6 mẫu đạt cả 2 chỉ tiêu hóa lý và vi sinh.

Đối với mẫu nước của các cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế dưới 1.000m³/ngày đêm (cơ sở không sử dụng nước giếng khoan cho mục đích sản xuất, chế biến thực phẩm), trong 47 mẫu nước chỉ 2 mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý.

Trong khi đó, lấy 22 mẫu mẫu nước tại huyện Cần Giờ thì chỉ có 4 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý và 21 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh và chỉ có 4 mẫu đạt cả hai chỉ tiêu hóa lý và vi sinh.

Nước máy trên mạng từ Tổng công ty cấp nước TP có tỷ lệ đạt chất lượng cao nhất. Trong 72  mẫu, có đến 71 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý, cả hóa lý và vi sinh, 72 mẫu đạt chỉ tiêu vi sinh.

Theo kết quả chất lượng nước như trên, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo đối với khu vực đang sử dụng nguồn nước sạch tạm thời (các bồn chứa nước công cộng) thì cần đun sôi nước trước khi uống, bảo quản nước đun sôi trong vật chứa sạch, kín.

Đối với khu vực được cấp nước sạch, nguồn nước qua bồn chứa cần được đun sôi, súc xả định kỳ và đậy kín bồn chứa. Chính quyền địa phương vận động người dân khu vực đã có nguồn nước sạch không khai thác ngầm, trám lấp các giếng khoan tại hộ gia đình.

Chỉ tiêu hóa lý của nước

Theo QCVN 02:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt của Bộ Y tế, chỉ tiêu hóa lý cần thiết gồm:

Clo dư: Nước có hàm lượng Clo thấp dễ bị nhiễm vi sinh. Tùy cấp độ, người sử dụng có thể bị đau bụng, tiêu chảy,..

Nước có hàm lượng clo vượt quá tiêu chuẩn sẽ gây ngộ độc. Triệu chứng thường gặp là ho, khó thở, đau ngực, phù phổi,… Giới hạn tối đa cho phép đối với Clo dư trong khoảng 0,3-0,5mg/l.

pH có giới hạn tối đa cho phép trong khoảng 6,0-8,5. Trong môi trường pH thấp, khả năng khử trùng của Clo sẽ mạnh hơn. Tuy nhiên, khi pH > 8,5 nếu trong nước có hợp chất hữu cơ thì việc khử trùng bằng Clo dễ tạo thành hợp chất trihalomethane gây ung thư.

Amoni cùng với các chất vi lượng trong nước (hợp chất hữu cơ, phốt pho, sắt, mangan…) là “thức ăn” để vi khuẩn phát triển, gây ảnh hưởng tới chất lượng nước sau xử lý. Khi nồng độ amoni trong nước cao rất dễ sinh nitrit (NO2). Trong cơ thể động vật, nitrit và nitrat có thể biến thành N – nitroso – là chất tiền ung thư. Amoni khi vào trong cơ thể sẽ chiếm mất oxy gây xanh xao, ốm yếu, thiếu máu, khó thở, nhiễm amoni nặng sẽ gây ngộp thở và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Hàm lượng amoni tối đa cho phép là 3 mg/l.

Hàm lượng Sắt tổng số: Sắt không gây độc hại cho cơ thể. Khi hàm lượng sắt cao sẽ làm cho nước có vị tanh, màu vàng, độ đục và độ màu tăng nên khó sử dụng. Tiêu chuẩn nước uống và nước sạch đều quy định hàm lượng sắt nhỏ hơn 0,5 mg/l.

Chỉ số Pecmanganat (độ oxy hóa) được dùng để đánh giá mức độ ô nhiễm của nguồn nước. Tiêu chuẩn nước sạch quy định độ oxy hóa nhỏ hơn 4 mg/l.

Độ cứng tính theo CaCO3 

Nước cứng thường cần nhiều xà phòng hơn để tạo bọt, hoặc gây hiện tượng đóng cặn trắng trong thiết bị đun, ống dẫn nước nóng, thiết bị giải nhiệt hay lò hơi. Ngược lại, nước cứng thường không gây hiện tượng ăn mòn đường ống và thiết bị. Nước mặt thường không có độ cứng cao như nước ngầm.

Tùy theo độ cứng của nước người ta chia thành các loại sau:

  • Độ cứng = 0 – 50mg/l        -> Nước mềm
  • Độ cứng = 50 – 150mg/l     -> Nước hơi cứng
  • Độ cứng = 150 – 300mg/l  -> Nước cứng
  • Độ cứng > 300mg/l             -> Nước rất cứng

Theo tiêu chuẩn nước sạch, độ cứng được quy định nhỏ hơn 350 mg/l. Đối với nước ăn uống, độ cứng nhỏ hơn 300 mg/l. Tuy nhiên, khi độ cứng vượt quá 50 mg/l, trong các thiết bị đun nấu đã xuất hiện cặn trắng. Có thể khử độ cứng bằng phương pháp trao đổi ion.

Hàm lượng Clorua: Tiêu chuẩn nước sạch quy định Clorua nhỏ hơn 300 mg/l. Tiêu chuẩn nước uống quy định Clorua nhỏ hơn 250 mg/l.

Hàm lượng Florua: Khi hàm lượng flo đạt 2 mg/l đã làm đen răng. Nếu sử dụng thường xuyên nguồn nước có hàm lượng Flo cao hơn 4 mg/l có thể làm mục xương. Flo không có biểu hiện gây ung thư. Tiêu chuẩn nước sinh hoạt quy định hàm lượng flo nhỏ hơn 1,5 mg/l.

Hàm lượng Asen tổng số:

Do thấm qua nhiều tầng địa chất khác nhau, nước ngầm thường chứa asen nhiều hơn nước mặt. Ngoài ra asen có mặt trong nguồn nước khi bị nhiễm nước thải công nghiệp, thuốc trừ sâu.

Khi bị nhiễm asen, có khả năng gây ung thư da và phổi. Tiêu chuẩn nước sạch quy định asen nhỏ hơn 0,05 mg/l. Tiêu chuẩn nước uống quy định asen nhỏ hơn 0,01 mg/l.

Chỉ tiêu vi sinh của nước 

Vi khuẩn Coliform gồm 3 nhóm chính: tổng số vi khuẩn Coliform, vi khuẩn Coliform phân, E.coli. Trong đó, tổng số vi khuẩn Coliform phần lớn gồm các vi khuẩn có thể tìm thấy trong chất thải của người, động vật, trong môi trường nước, thảm thực vật… Mặc dù chúng thường vô hại, sự hiện diện của nhóm vi khuẩn này là dấu hiệu cho thấy nguồn nước có thể bị ô nhiễm.

Vi khuẩn Coliform phân có thể tìm thấy trong ruột và phân của động vật máu nóng. Vi khuẩn Coliform gồm cả vi khuẩn gây bệnh và không gây bệnh. Sự hiện diện của chúng là dấu hiệu cho thấy nước bị ô nhiễm bởi nước thải.

E.coli là một nhóm nhỏ của vi khuẩn Coliform phân. E.coli hầu như chỉ được tìm thấy trong ruột của động vật máu nóng. E.coli có trong nước cho thấy nước bị ô nhiễm bởi nước thải hoặc phân của động vật.

Chỉ tiêu vi sinh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia Việt Nam:

  • Đối với nước ăn uống: hàm lượng E.coli và Coliform tổng số bằng 0 vi khuẩn/100 ml.
  • Đối với nước sinh hoạt: hàm lượng E.coli là 0 vi khuẩn/100 ml, Coliform được cho phép 50 vi khuẩn/100ml.
  • Đối với nước thải công nghiệp: hàm lượng Coliform là 3.000 mg/l đối với nước thải loại A và 5.000 mg/l đối với nước thải loại B.

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: