Kể từ đầu năm 2018, ngành xăng dầu chính thức ngừng cung cấp xăng Ron 92 và thay thế hoàn toàn bằng xăng E5. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hành động này như một kiểu ép buộc người dân trong khi vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra liên quan đến việc sử dụng loại xăng sinh học này.

(Ảnh: PVoil)

Xăng E5 có phù hợp cho mọi loại xe?

Xăng sinh học loại E có nghĩa là hỗn hợp giữa xăng và cồn Ethanol. Được biết, xăng E5 được pha chế từ 95% xăng A92 và 5% Ethanol khan.

Do Ethanol có trị số Octane (RON) cao tới 108 – 109 nên khi pha vào xăng sẽ làm tăng trị số Octane, tức tăng khả năng chống kích nổ của nhiên liệu. Hơn nữa, với hàm lượng oxy cao hơn xăng thông dụng, xăng sinh học được cho là sẽ giúp quá trình cháy trong động cơ diễn ra triệt để hơn, tăng công suất, giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong khí thải động cơ, bảo vệ môi trường tốt hơn. Việc sử dụng xăng E5 cũng khá thuận tiện, không cần phải điều chỉnh động cơ khi chuyển đổi giữa xăng E5 và xăng thông thường.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Phòng Thương mại ô tô Úc (FCAI) đưa ra mới đây, có khá nhiều mẫu xe không phù hợp với xăng E5, đặc biệt là các mẫu xe cũ hoặc khi xe không được khởi động trong thời gian 30 ngày trở lên. Trong số danh sách mà FCAI đưa ra, có nhiều loại xe tương đồng với các phương tiện đang lưu hành rộng rãi tại Việt Nam. Xem danh sách tại đây.

Lý giải vấn đề này, các chuyên gia cho biết hầu hết các phương tiện cũ được trang bị bộ chế hoà khí và thùng nhiên liệu bằng thép. Việc sử dụng xăng Ethanol kết hợp trong động cơ có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ không khí/ nhiên liệu do hàm lượng oxy cao hơn, từ đó có thể ăn mòn thùng nhiên liệu và đường ống nhiên liệu, khiến động cơ không hoạt động. Xe có hệ thống chế hòa khí có thể gặp phải những vấn đề do áp suất hơi của ethanol sẽ cao hơn (nếu nhiên liệu cơ bản không được điều chỉnh về mặt hóa học) và các vấn đề về van thông hơi hoặc khả năng khởi động nóng.

Còn theo thông tin từ Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) của Mỹ, người dùng nên dùng loại xăng theo khuyến cáo của nhà sản xuất ô tô, xe máy được ghi trong sổ tay hướng dẫn khi mua xe. Việc dùng loại xăng có chỉ số Octane cao hơn loại xăng mà nhà sản xuất khuyến cáo không làm cho xe hoạt động tốt hơn, chạy nhanh hơn, hoặc sạch động cơ hơn. Chỉ nên sử dụng xăng có chỉ số Octane cao hơn nếu phát hiện xe có tiếng gõ máy do có hiện tượng kích nổ. Mặc dù xăng sinh học tốt hơn cho môi trường, nhưng loại xăng này không bảo quản được lâu do ngậm nước gấp nhiều lần so với xăng nguyên chất và có thể gây ảnh hưởng tới hệ thống nhiên liệu của xe.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và phương tiện, nhất là ở Việt Nam có lượng xe cũ khá nhiều, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu và thử nghiệm loại xăng này trên các dòng xe cũ khác nhau. Khi chưa có một nghiên cứu toàn diện và đủ sức thuyết phục, việc khuyến cáo tuyên truyền người dân sử dụng xăng E5 có thể xem là một bước đi khá vội vã.

Đưa xăng E5 vào để ‘giải cứu’ các nhà máy Ethanol?

Tại Việt Nam có 7 nhà máy Ethanol, trong đó có 4 nhà máy nhập khẩu và sử dụng công nghệ từ Trung Quốc, 3 nhà máy còn lại dù sử dụng công nghệ của các nước phát triển nhưng vẫn nhập thiết bị từ Trung Quốc. Tuy vậy, phần lớn các nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất hoặc trong tình trạng cầm chừng.

Điều đáng nói là một số nhà máy sử dụng công nghệ của Trung Quốc chỉ sau 1-2 năm hoạt động đã phải tạm ngừng do sản phẩm kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn pha chế xăng E5. Hiện trên cả nước việc cung cấp ethanol nhiên liệu để phối trộn xăng sinh học E5 chủ yếu từ 2 nhà máy Ethanol Đồng Nai (sản lượng 6.000 m3/tháng) và Ethanol Quảng Nam (sản lượng 10.000 m3/tháng).

Ngoài các nhà máy tư nhân nói trên, còn có 3 nhà máy sản xuất Ethanol do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư, bao gồm: Nhà máy Ethanol Tam Nông (Phú Thọ) nhưng mới chỉ hoàn thành giai đoạn thi công mà chưa được đưa vào sản xuất; Nhà máy Ethanol Bình Phước và Nhà máy Ethanol Dung Quất đều đang tạm ngưng và sắp khởi động lại vào đầu năm 2018.

Hai nhà máy nằm “đắp chiếu” sắp được khởi động lại nói trên đều có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên buộc phải ngưng hoạt động, thua lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm do hao mòn máy móc và trả lãi vay.

Như vậy, dư luận đang đặt ra câu hỏi khi Bộ Công thương “khai tử” xăng RON 92 để dọn đường cho xăng E5 có phải nhằm giải cứu các dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ? Hơn thế nữa, việc mới đây Bộ Công thương “âm thầm” tăng giá xăng RON 95 trong khi giá xăng dầu thế giới không có biến động liệu có phải là một cách cưỡng ép người tiêu dùng phải chuyển sang dùng xăng E5?

Nên kiểm nghiệm kỹ lưỡng và để thị trường tự quyết

Không phủ nhận rằng trên thế giới đã có nhiều nước sử dụng xăng sinh học. Tuy nhiên, khi đã có cả những khuyến cáo từ các tổ chức uy tín về phản ứng của loại xăng này đối với các dòng xe khác nhau, đặc biệt là các model xe cũ, Việt Nam cũng nên có một lộ trình nghiên cứu kỹ lưỡng về loại xăng sinh học này trên các loại phương tiện đang lưu hành thông dụng ở Việt Nam, đồng thời đưa ra những lưu ý và khuyến cáo cho người sử dụng.

Nếu không có đánh giá khoa học toàn diện, đáng tin cậy về xăng E5, nhiều người dân đã quen dùng xăng RON 92 và RON 95 sẽ vẫn chấp nhận chi tiền cao hơn để dùng RON 95 khi RON 92 bị khai tử, bởi họ quan trọng hơn vấn đề an toàn cho bản thân và phương tiện.

Xét về mặt thị trường, việc đưa ra biện pháp hành chính để “khai tử” xăng RON 92 trong khi sản phẩm này không có lỗi và vẫn có nguồn cầu tốt là không phù hợp với quy luật thị trường. Bản thân việc mức tiêu thụ xăng E5 kém là do các vấn đề như giá chưa đủ hấp dẫn, chất lượng chưa được kiểm nghiệm, thì nhà sản xuất cần tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm chi phí để giảm giá thành, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của xăng E5 với môi trường, như thế mới có thể cạnh tranh.

Người tiêu dùng mới nên là người quyết định sản phẩm nào bị “khai tử”, chứ không nên là các biện pháp hành chính cưỡng chế. Túi tiền và sự an toàn của người dân không nên bị lạm dụng để bù đắp cho những thua lỗ của cơ quan nhà nước. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra vì liên quan đến xăng E5?

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: