Ba bị cáo bị đưa ra xét xử là: Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh); Trần Văn Sơn (SN 1990, Cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) và Hoàng Công Lương (SN 1986, bác sĩ Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình).

bác sĩ hoàng công lương
Bác sĩ Lương cùng các đồng nghiệp. (Ảnh: FB Ngô Nguyệt Hữu)

Sáng nay (7/5), TAND TP. Hòa Bình sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm 3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người chết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra hôm 29/5/2017 khiến 8 người lần lượt tử vong.

Cơ quan chức năng đã khởi tố, truy tố với 3 bị can là:

  • Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, thường trú tại phường Đại Phúc, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) – Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh: bị truy tố về tội “Vô ý làm chết người”.
  • Trần Văn Sơn (SN 1990, thường trú phường Hữu Nghị, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) – Cán bộ Phòng vật tư, trang thiết bị y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình: bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
  • Hoàng Công Lương (SN 1986, có hộ khẩu thường trú tại Quốc Oai, Hà Nội, ở xã Sủ Ngòi, TP. Hòa Bình) là bác sĩ Khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình).

Liên quan đến vụ việc, hôm 13/4, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm “Những vấn đề pháp lý đối với trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương”.

Tại buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) – TS. Nguyễn Huy Quang cho rằng việc cơ quan chức năng cáo buộc bác sĩ Hoàng Công Lương với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là chưa thỏa đáng. Bởi bác sĩ Lương là người được giao trách nhiệm chuyên môn cấp cứu cho người bệnh chứ không phải bảo dưỡng, sửa chữa máy. Bác sĩ Lương cũng không có quyền hạn về bảo dưỡng hệ thống nước lọc RO của lọc thân.

Hôm 20/4 vừa qua, bác sĩ Hoàng Công Lương đã có tâm thư gửi lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ. Bác sĩ Hoàng Công Lương cho rằng bác sĩ đã thực hiện công việc của mình “theo đúng quy trình chạy thận nhân tạo chu kỳ được Bộ Y tế ban hành năm 2014” và khi đã được bàn giao từ Phòng vật tư để sử dụng thì có nghĩa “nguồn nước đã đảm bảo an toàn”.

Trước đó, vào khoảng 8h15 sáng ngày 29/5, 18 bệnh nhân của khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) đến lọc máu theo chu kỳ. Khoảng 30 – 40 phút sau khi lọc máu, các bệnh nhân có dấu hiệu sốc phản vệ (khó thở, đau bụng, buồn nôn, ngứa…). Đến tối cùng ngày, 7 bệnh nhân đã tử vong; 1 nữ bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch; 10 bệnh nhân còn lại được chuyển đến bệnh viện Bạch Mai để điều trị.

Khoảng 2h40 ngày 4/6, nữ bệnh nhân tử vong, nâng số người tử vong trong vụ tai biến chạy thận lên 8 người; 10 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện Bạch Mai sức khỏe sau đó đã ổn định.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân sự việc là do nguồn nước cung cấp cho việc lọc thận, chạy thận nhân tạo không đảm bảo, các thiết bị được bảo dưỡng và đưa vào hoạt động không kiểm định đúng quy trình.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm sẽ diễn ra từ ngày 7 đến ngày 11/5.

Nam Phong

Xem thêm: