Dự kiến khi dự án được hoàn tất, tổng cộng khoảng 6,5 tấn bao bì nhựa dẻo sẽ được xử lý thay vì trở thành rác thải nhựa khó tái chế.

làm đường từ rác thải nhựa
Rác thải nhựa được xử lý trở thành phụ gia nhựa làm đường giao thông. (Ảnh: tapchithue.com.vn)

Công ty Dow Việt Nam vừa phối hợp với Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) khánh thành đoạn đường dài 200m từ rác thải nhựa.

Dự án nằm trong việc triển khai các ứng dụng mới cho rác thải nhựa sinh hoạt để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tạo giá trị cho nhựa và giảm thiểu rác thải ra môi trường.

Giai đoạn tiếp theo của dự án này sẽ được hoàn thành trong tháng 11/2019, với tổng chiều dài đoạn đường là 1,4km. Đoạn đường này sẽ chuyển hóa tổng cộng 6,5 tấn bao bì nhựa dẻo (tương đương hơn 1,7 triệu bao bì nhựa dẻo) thay vì trở thành rác thải.

Nguồn rác thải nhựa sinh hoạt tái chế chủ yếu là bao bì nhựa dẻo như màng polyethylene, do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (URENCO) cung cấp.

Trước khi trải nhựa đường thực tế, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã thực hiện 2 thí nghiệm với kết quả đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và an toàn của Việt Nam.

Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng giám đốc Dow Việt Nam cho hay dự án này là sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, các nhà đầu tư hạ tầng, nhà cung cấp asphalt, các đơn vị thu gom rác thải và ngành khoa học vật liệu để giải quyết vấn đề về rác thải nhựa tại Việt Nam.

Bà Uyên Mai, Giám đốc phát triển bền vững khu vực Đông Nam Á, Công ty Dow Chemical Việt Nam cho biết ước tính có khoảng 80 tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi ngày tại các khu vực đô thị như Hà Nội và TP.HCM. Đây đều là những rác thải nhựa khó tái chế hoặc không thể tái chế; bao bì nilon thường chỉ được chôn lấp hoặc thải ra môi trường.

“Việc tái chế rác thải nhựa sinh hoạt thành nguồn tài nguyên mới, có giá trị để làm đường giao thông là một hướng đi tích cực” – bà Mai cho hay.

làm đường từ rác thải nhựa
Rác thải nhựa được cắt nhỏ, trộn lẫn cốt liệu và nhựa đường ở nhiệt độ cao, sau đó thi công trải nhựa như bình thường. (Ảnh: tapchithue.com.vn)

Tổng Giám đốc Khu công nghiệp DEEP C – ông Bruno Jaspaert cho biết việc triển khai đoạn đường đầu tiên từ rác thải nhựa này là dấu mốc trong việc DEEP C trở thành khu công nghiệp sinh thái đi đầu tại Việt Nam.

Theo dự tính, sau khi triển khai thành công dự án này, công ty sẽ tiếp tục thực hiện các đoạn đường sử dụng rác thải nhựa tái chế trong các Khu công nghiệp DEEP C.

Theo Công ty Dow Việt Nam, công nghệ làm đường giao thông gia cố bởi nhựa tái chếkhông phức tạp. Rác thải nhựa được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ 150 – 1800C. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường.

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, các thông số kỹ thuật của mẫu bê tông có trộn phế thải nhựa đạt tiêu chuẩn theo quy định pháp luật Việt Nam TCVN 8860, ngoài ra, một số tiêu chí đạt yêu cầu cao hơn.

Dự án làm đường giao thông gia cố bởi nhựa tái chế do Công ty Dow Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Hàng hải thực hiện.

Nguyễn Quân

Xem thêm: