Trước tình trạng nước trong hồ chứa rộng khoảng 10ha tại cống số 6 phía sau các nhà máy chế biến hải sản xã Tân Hải (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) chuyển thành màu tím bất thường từ gần một tháng qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay đó là do hiện tượng tảo nở hoa.

tao no hoa
Hồ chứa nước rộng 10 ha chuyển thành màu tím, ô nhiễm nghiêm trọng từ nhiều ngày qua. (Ảnh chụp video)

Chiều 7/4, sau cuộc họp về xử lý cống số 6 (xã Tân Hải, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Phó Giám đốc Sở TN&MT – ông Phan Văn Mạnh cho biết điều kiện thời tiết thuận lợi khiến lượng tảo tăng dần. Còn nguồn ô nhiễm là do trầm tích từ lâu tích tụ kéo dài tới thời điểm này, vì hiện lượng nước thải ở đây không đáng kể.

Được biết đây là hồ để xả lũ trong mùa mưa, ngăn mặn xâm lấn đất nông nghiệp. Nhưng trong nhiều năm qua, ngoài chức năng điều tiết thủy lợi, hồ đã trở thành nơi chứa nước thải của các nhà máy chế biến hải sản xã Tân Hải.

tảo nở hoa
Cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết tảo nở hoa do trầm tích tích tụ từ lâu chứ không phải do xả thải hiện tại. (Ảnh chụp video)

Tại buổi họp, các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bàn tính 4 giải pháp cần giải quyết ô nhiễm tại cống số 6. Trước mắt là kiểm soát hoạt động xả thải đối với 2 doanh nghiệp chế biến hải sản Trọng Đức và Phước An. Đây là 2 doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại với 10% công suất sau vụ kiện giữa 14 doanh nghiệp xả thải và 33 hộ dân nuôi cá lồng bè tại xã Long Sơn hồi cuối năm 2016.

Ngoài ra, dự kiến sử dụng chế phẩm Biomix để khử mùi, cải tạo phục hồi chất lượng nước, không tạo điều kiện cho tảo hoạt động tại khu vực cống số 6. Việc sửa chữa cống số 6 được giao cho địa phương quản lý để đảm bảo điều tiết trong mùa mưa lũ sắp tới.

Cùng ngày, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ đạo tạm ngừng hoạt động đối với Công ty TNHH thủy sản Hòa Thắng do có hành vi xả thải chưa đạt tiêu chuẩn ra hồ chứa của cống số 6. Trước đó, ngày 27/3/2017, Công ty Hòa Thắng bị phát hiện xả nước thải có màu nâu vàng từ quá trình cải tạo hệ thống xử lý nước thải của công ty ra môi trường với lưu lượng khoảng 40m3/ngày.

Cuối tháng 11/2016, liên quan tới vụ kiện của 33 hộ dân nuôi cá lồng đối với 14 doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm, Viện Môi trường và Tài nguyên – ĐHQG TP.HCM xác định có 4 nguyên nhân gây ô nhiễm nước sông Chà Và dẫn tới tình trạng cá chết hàng loạt.

Trong đó, hoạt động xả thải từ cống số 6 ra sông của các doanh nghiệp, chiếm 76% nguyên nhân, 15% nguyên nhân là do hoạt động nuôi cá lồng bè của bà con chưa khoa học, 5% là do hình thức nuôi quãng cảnh và 2% do xả nước thải sinh hoạt.

Theo kết luận của viện, tỷ lệ đóng góp ô nhiễm của 14 doanh nghiệp như sau:

  1. Công ty TNHH thủy sản Hòa Thắng: 13,5 %
  2. Công ty TNHH Thịnh An: 17,91%
  3. Công ty TNHH Phước An: 18,45%
  4. DNTN chế biến hải sản Trọng Đức: 22,85%
  5. DNTN Đại Quang: 9,97%
  6. DNTT Trung Sơn: 6,55%
  7. DNTN Thương Thương: 0,75%
  8. DNTN Đông Hải: 1,06%
  9. DNTN Tân Thành: 2.16%
  10. Công ty THHH Nghê Huỳnh: 2,04%
  11. DNTN Gia Hòa: 0,75%
  12. Chi nhánh DN Thành Đạt: 1,44%
  13. DNTN Mỹ Sương: 0,13%
  14. DNTN chế biến bột cá Phúc Lộc: 2,58%

Tổng thiệt hại là hơn 18 tỷ đồng do khoảng 129 tấn cá bị chết. Đây không phải lần đầu tiên người nuôi cá tại làng cá Tân Hải (H.Tân Thành) lao đao nợ nần do cá chết hàng loạt vì doanh nghiệp xả thải.

Vĩnh Long

Xem thêm: