Tối 13/5, máu chảy thành dòng, đông đặc trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TP.HCM). 3 người tử vong, 4 người bị thương khi truy bắt nhóm cướp xe SH và bị tấn công lại bằng hung khí.

hiep si chet
Hai trong ba người tử vong trong tối 13/5 tại đường Cách mạng tháng Tám (P.10, Q.3, TP.HCM) được xác định là Nguyễn Hoàng Nam và Nguyễn Đăng Khôi. Được biết đây là 2 thành viên trong nhóm hiệp sĩ Tân Bình. (Ảnh: FB Đội Hiệp sĩ TP.HCM)

Tất cả đều là dân thường. Họ tử vong và bị thương khi ứng cứu để giúp người dân khác bị nạn. Trong 3 người tử vong, có hai người thuộc Đội hiệp sĩ quận Tân Bình. Người đội trưởng, ông Trần Văn Hoàng cũng bị thương.

Từ tối qua, bức ảnh chụp một người nằm bất động dưới nền đường, chiếc lưng biến dạng, máu chảy thành dòng. Xung quanh đám đông hỗn loạn, hoang mang. Bức ảnh đã được ai đó chuyển sang gam màu đen trắng cho bớt ám ảnh tang thương. Nhưng bao trùm tất cả vẫn là sự cô độc đến trơ trọi, và bất lực.

Lần đầu tiên cộng đồng chứng kiến sự tàn khốc của cuộc chiến khi cái ác quá lớn. Nỗi hoang mang về chuyện bao đồng loang như váng dầu, khi cái chết có thể chạm tới trước mắt. Nhưng lớn hơn cái chết là gì? Người dân không quên hiện trường vụ án chỉ cách trụ sở công an phường 10, quận 3 vài bước chân. Công an có mặt trong những bức ảnh khi máu đã đổ loang lòng đường, vài sinh mạng vô tội đã bị tước đoạt. Khi nỗi lo sợ được tiếp thêm phần vô cảm, chúng đủ sức để biến tất cả thành cỗ máy của sự thờ ơ.

Chưa đầy 12 tiếng sau vụ việc, quan điểm “xã hội pháp quyền phải được quản lý bằng pháp luật, không phải bằng nghĩa khí” đã được cất lên, kỳ lạ thay, gửi thông điệp rằng người dân chỉ nên làm tốt vai trò giám sát, và có quyền đòi hỏi lực lượng chuyên nghiệp làm tốt hơn, thay vì “cổ xúy cho các nhóm hiệp sĩ trấn áp tội phạm tự phát“. Có lẽ đó là thứ tư duy đảo chiều, khi yêu cầu công dân nên thôi đặt niềm tin vào nghĩa khí, để yên cho pháp luật được thực thi.

“Hiệp sĩ”, được nảy sinh từ thực tế xã hội. Vì có một sự thật là đường phố đang chịu sự ngự trị của cái ác” – nhà báo Nguyễn Tiến Tường viết trên trang cá nhân. Trong 3 người tử vong tối qua, 2 người trong nhóm “hiệp sĩ” và một người tự nguyện tham gia vây bắt kẻ cướp, – họ cùng chung một tên gọi “người dân”.

Họ, những con người bình thường, xuất thân từ đủ hoàn cảnh, cũng nặng gánh mưu sinh, nhưng lương tri và lòng trắc ẩn của họ kiên cường đứng về lẽ phải.

Họ, người có gia đình, người không, người sống yên ổn, kẻ chạy ăn từng bữa. Nhưng họ cùng chung niềm tin rằng bình yên không thể đến từ sự thu rút cá nhân, rằng bất kỳ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của cái ác, nếu lẽ phải hôm nay không được lên tiếng. Khi thờ ơ đang bóp nghẹt những trái tim yếu nhược, thì họ từ chối thờ ơ.

Sự có mặt của những trái tim quả cảm chẳng thể nào làm suy giảm niềm tin vào công lý, ngược lại, trở thành nguồn chia sớt tinh thần to lớn đối với những người trong lực lượng chuyên nghiệp khi âm thầm liều mình cứu người trong hỏa hoạn, thiên tai, bị phơi nhiễm HIV khi trấn áp tội phạm.

Họ, những người bình dị vô danh, không được trang bị công cụ hỗ trợ, đào tạo nghiệp vụ chỉ là người trong nhóm chỉ bảo, hỗ trợ nhau. Không quyền lợi, chẳng được bảo vệ pháp lý, tự chịu rủi ro khi bị trả thù. Nhưng nỗi đau mất mát của họ là có thật. Vợ mất chồng, con mất cha, bạn bè, anh em mất đi một người sống không tư lợi, xã hội mất đi một con người nghĩa hiệp.

Nhưng những rủi ro đó là điểm để người hữu trách cùng tham gia đóng góp, thay đổi, để lòng tin vào chính nghĩa không thay đổi. Để tang thương không một lần nữa xảy ra. Để vụ việc không bị biến thành cái cớ để tước đoạt niềm tin vào điều tốt đẹp, quay lưng phê phán trách nhiệm công dân, sự dấn thân vì cộng đồng. Để người dân không nặng trách nhiệm gánh vác loại trừ cái ác, giữ bình yên phố phường.

Nếu sau này lành lặn ổng tiếp tục đi bắt cướp tui cũng ủng hộ để những hy sinh của các anh em nằm xuống không vô nghĩa.” – vợ của ông Trần Văn Hoàng – trưởng nhóm hiệp sĩ, nói với đôi mắt hoe đỏ, dù lòng còn ngổn ngang bất an sau khi nghe hung tin.

Khi nào trong chúng ta không còn chỗ cho sự mặc cả, khi đó ta mới có chỗ cho niềm tin vào lẽ phải. Pháp quyền là gì nếu không phải là sự tin tưởng rằng công lý sẽ được thực thi. Lãnh cảm, bội bạc và độc ác… đó mới là mảnh đất để cái ác lên ngôi.

Lê Trai

Xem thêm: