Vụ sập giàn giáo khiến 1 công nhân tử vong và 4 công nhân khác bị thương.

Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1
Nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1. (Ảnh: FB Tran Van Quyen)

Chiều ngày 29/6, Công an tỉnh Hậu Giang tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân của vụ sập giàn giáo khiến 1 người chết, 4 người bị thương, xảy ra tại công trường dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 (thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

Trước đó, vào khoảng 8h sáng cùng ngày, khi các công nhân đang thi công phần mái hiên che phía trên cửa của một công trình bên trong dự án Nhà máy thì bất ngờ xảy ra tai nạn. Giàn giáo chống đỡ mái hiên bị lún dẫn đến sự cố sập công trình.

Theo công nhân, chân giàn giáo chống đỡ cho phần công trình bị sập đặt trên nền cát nhưng dưới chân chỉ được lót tấm ván ép nhỏ. Phần mái hiên bị sập cao hơn mặt đất hơn 4 m, nhưng thiết kế lại không liên kết vào cột mà chỉ gối lên tường mỗi bên khoảng 20 cm.

Sau khi tai nạn xảy ra, các nạn nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long (TP. Cần Thơ) cấp cứu. Các nạn nhân là N.H.T (33 tuổi), N.C.N (24 tuổi), N.V.P (44 tuổi), N.V.M (39 tuổi) và P.V.D (39 tuổi).

Trong đó, anh N.H.T bị nặng nhất, phải nhập viện trong tình trạng gãy nhiều xương sườn, tràn khí màng phổi, ngưng tim, ngưng thở và tử vong.

Các ca còn lại, ngoài 2 trường hợp bị thương nhẹ, có 1 người bị gãy xương sống, gãy xương đùi và 1 người bị đa chấn thương vùng đầu. Hiện các công nhân bị thương đang được điều trị tích cực.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 có tổng mức đầu tư khoảng hơn 43.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), diện tích sử dụng đất khoảng 115ha. Dự án có hai tổ máy với công suất hoạt động khoảng 1.200 MW do PVN làm chủ đầu tư, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) làm tổng thầu EPC. Theo tính toán hàng năm, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 tiêu thụ khoảng 3 triệu tấn than.

Dự kiến, sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2019, nhà máy sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kWh mỗi năm.

Liên quan đến dự án này, mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng có kết luận thanh tra tại nhà máy này và phát hiện hàng loạt sai phạm xảy ra như: do thực hiện dự án đầu tư chậm, không đáp ứng yêu cầu tiến độ đã được phê duyệt, khiến cuối năm 2014, PVN phải phê duyệt điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư hơn 10.457 tỷ đồng; tính sai tăng khối lượng tại một số hạng mục công trình, áp giá vật liệu, giá ca máy, áp định mức và tính một số chi phí chưa phù hợp dẫn tới giá trị dự toán được duyệt sai tăng số tiền hơn 210,6 tỷ đồng,…

Văn Duy

Xem thêm: