Trước “sự cố” nhiều tàu vỏ thép liên tục hỏng hóc, rỉ sét,… khiến ngư dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng, tỉnh Bình Định yêu cầu hai công ty đóng tàu sửa chữa, bồi thường thiệt hại cho người dân; trong trường hợp hai công ty không thực hiện, UBND các huyện sẽ hướng dẫn ngư dân khởi kiện.

tau-hu-hong-binh-dinh-khoi-kien
Hàng loạt tàu vỏ thép hỏng hóc phải nằm bờ sau vài tháng ra khơi. (Ảnh: baobinhdinh.com.vn)

Ngày 27/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã gửi văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) phải có nghĩa vụ sửa chữa các tàu cá do hai công ty này đóng trước đó bị hư hỏng theo hợp đồng đã thỏa thuận với các chủ tàu Bình Định.

Theo đó, ông Châu yêu cầu hai công ty trên không được thay tôn thép vỏ tàu từ loại của Hàn Quốc, Nhật bản sang loại Trung Quốc; phải hoàn trả chi phí thiết kế cho chủ tàu; hỗ trợ thiệt hại cho chủ tàu do tàu nằm bờ, không thể ra khơi hoạt động.

Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan thuê đơn vị tư vấn độc lập xác định giá trị, chất lượng các con tàu được đóng mới theo Nghị định 67 và báo cáo kết quả cho UBND tỉnh.

Cùng với đó, nếu hai công ty không thực hiện nghĩa vụ của mình, UBND TP. Quy Nhơn, UBND huyện Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ và huyện Phù Cát sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn các chủ tàu cá, ngư dân làm các thủ tục pháp lý để tiến hành khởi kiện ra tòa theo quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân.

Bình Định hiện có 56 chủ tàu ký hợp đồng vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 năm 2014 gồm: 47 tàu vỏ thép, 5 tàu composite, 4 tàu vỏ gỗ. Tổng vốn cam kết cho vay là 874,6 tỷ đồng; đã giải ngân 803,6 tỷ đồng cho 55 hợp đồng tín dụng. Trong số này, 44 tàu (37 tàu vỏ thép, 4 tàu vỏ gỗ, 3 tàu composite) đã đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, tàu mới đưa vào hoạt động khai thác chưa lâu đã hỏng hóc liên tục khiến ngư dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Sự việc này liên quan đến hai công ty đóng tàu TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định).

Theo kết quả kiểm tra của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đối với 3 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng thì tất cả đều có tình trạng thân vỏ tàu, trang thiết bị đều bị rỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, máy tàu hiệu Mitsubishi bị hư hỏng. Công ty đã thay thế tôn thép của vỏ tàu từ chất liệu Hàn Quốc và Nhật Bản sang tôn chất liệu Trung Quốc MAC A để đóng tàu.

Đối với trường hợp 4 tàu được đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu, kết quả kiểm tra cho thấy thân, vỏ tàu bị rỉ sét, máy chính Mitsubishi đều bị sự cố và hư hỏng, máy phát điện bị hư hỏng, hầm bảo quản không giữ được lạnh, 1 tàu làm nghề lưới chụp có hệ thống gọn bị han rỉ, đứt gãy.

Trước đó, ngày 10/5/2017, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp giữa 12 chủ tàu và hai công ty nói trên để tìm cách sửa chữa, khắc phục tàu vỏ thép.

Trả lời câu hỏi tại sao tàu của ngư dân bị rỉ sét, ông Bùi Hữu Hùng – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết phần sơn để sơn tàu vẫn chất lượng nhưng rỉ sét là vì… nước biển rất mặn. Bên cạnh đó, ông Hùng cũng cho hay qua kiểm tra, đánh giá từ các chuyên gia của hãng máy, cho thấy tàu bị hư hỏng một phần do bà con ngư dân sử dụng chưa thành thạo.

Trao đổi về các vấn đề, ông Trương Văn Đài – Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho hay trong thời gian đóng tàu, công ty có chuyển đổi từ thép Hàn Quốc và Nhật Bản sang dùng thép Trung Quốc với giá trị tương đương. Theo ông Đài, không phải cứ thép Trung Quốc là xấu, thép Trung Quốc cũng rất tốt.

Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất việc sửa chữa, bảo hành khắc phục sự cố, hư hỏng máy thủy chính, máy phát điện và vỏ tàu cho chủ tàu sẽ do công ty chịu mọi chi phí.

Việc khắc phục sửa chữa tàu phải hoàn thành trong tháng 6/2017.

Hoàng Minh

Xem thêm: