Hiện 6 căn nhà tại tổ 26, phường Đồng Tiến, TP Hoà Bình đã sụt gần như toàn bộ xuống sông Đà, 35 hộ gia đình phải di dời đồ đạc, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. 

6 can nha sat lo xuong song da 35 ho phai di doi khan cap
Căn nhà 2 tầng của gia đình anh Đào Thanh Phương đã sụt gần hết xuống sông. Tầng 2 hiện thấp hơn mặt đường hơn 2 m. (Ảnh: Nguyên Hương)

Chiều tối ngày 30/7, gần chục ngôi nhà ở tổ 25, 26, phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình xuất hiện hiện tượng nứt gãy, sau đó sạt lở xuống lòng sông Đà. Việc sạt lở xảy ra vào chiều tối, người dân kịp chạy thoát thân nên không xảy ra thiệt hại về người, song tài sản là căn nhà thì mất hoàn toàn.

Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến cho biết, tính đến sáng 31/7, có 6 nhà bị đổ hoàn toàn, 23 bị nứt và sụt lún. 35 hộ gia đình phải di dời khẩn cấp khỏi khu vực nguy hiểm.

Khu vực có nguy cơ sạt lở bị phong tỏa, cắt điện, cắt nước tránh gây nguy hiểm. Hiện người dân vẫn tiếp tục tìm kiếm đồ đạc còn sót lại từ phần nhà chưa sụt, và chuyển đồ đạc ra khỏi những ngôi nhà chưa bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo Chủ tịch phường Đồng Tiến, nguyên nhân ban đầu do nước sông Đà rút quá nhanh, vì nhà máy thuỷ điện đóng hết cửa xả lũ từ chiều 30/7.

Ngoài ra, việc các hộ dân đổ chất thải rắn bên bờ tả làm thay đổi dòng chảy, khiến nước xoáy sang phía bờ hữu – nơi có nhiều hộ gia đình của phường Đồng Tiến đang sinh sống.

Ông Mạnh cũng cho rằng việc khai thác cát quá nhiều cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng sụt lún.

Tuy nhiên, cũng trong sáng nay, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng nguyên nhân gây sạt lở hàng loạt nhà dân không phải là do đóng mở đột ngột cửa xả lũ tại thủy điện sông Đà. “Không thể do thủy điện. Những ngày qua, Công ty Thủy điện Hòa Bình đều được lệnh đóng các cửa xả một cách từ từ hợp lý, các cửa xả đóng lần lượt, đến chiều qua chỉ còn mở 1 cửa xả chứ không có chuyện mở đồng loạt, đóng đồng loạt”, ông Sơn nói.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng mưa lớn kéo dài trong gần một tháng đã khiến đất đá bị xói mòn, gây sạt trượt nhà dân ở ven sông.

Được biết, khu vực xảy ra sạt lở đã được cảnh báo từ năm 2017 vì xuất hiện hiện tượng sụt đất, nứt tường nhà nguy hiểm. Sau đợt lũ năm 2017, khoảng 30 hộ dân ở đây nằm trong diện giải tỏa để chuyển sang khu mới. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở phường Đồng Tiến cho biết khu đất tái định cư “vẫn chưa ra hình thù”, chưa có điện, nước, mặt bằng vẫn còn đang san lấp, chưa có nhà ở nên người dân chưa di dời.

Trước thời điểm xảy ra sạt lở, vào ngày 27 – 29/7, ở Hòa Bình có mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng, nhiều nơi tại thành phố cùng các huyện đã xảy ra lũ quét, sạt lở. 95 ngôi nhà ở huyện Đà Bắc và Tân Lạc bị sập do sạt lở đất đá, nhiều ngôi nhà kèm theo tài sản bị hư hỏng gần như hoàn toàn.

Nguyễn Quân (T/h)

Xem thêm: