Sau Thái Bình và Hưng Yên, Hải Phòng là địa phương thứ ba xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

dich ta lon chau phi
Phun thuốc phòng chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: baohaiphong)

Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT Hải Phòng) vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại 2 trại chăn nuôi lợn của người dân ở xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên. Cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy gần 40 con lợn có dấu hiệu bị bệnh.

Cụ thể, ngày 22/2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy 5 mẫu bệnh phẩm (huyết thanh, phủ tạng) tại trại lợn của ông Vũ Văn Đạt (thôn 12, xã Chính Mỹ) để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, 2/5 mẫu bệnh phẩm có dương tính với virus tả lợn châu Phi.

Theo ông Đạt, tổng đàn lợn của gia đình có hơn 50 con, bắt đầu có dấu hiệu bỏ ăn, sốt cao, nôn mửa từ ngày 18/2; đến ngày 22/2, đã có 18 con lợn chết, được gia đình tự tiêu hủy.

Ngày 23/2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục lấy 13 mẫu giám sát tại 5 hộ chăn nuôi xung quanh ổ dịch gửi Chi cục Thú y vùng II. Kết quả, xác định 1 mẫu huyết thanh dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn thuộc gia đình bà Nguyễn Thị Ngấn ở cùng xã Chính Mỹ.

Theo đó, nhà chức trách đã khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, tiêu độc và tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh bằng cách chôn lấp.

Được biết, hiện nay các vùng có hiện tượng lợn nái chết bất thường và số lượng chết nhiều đang xảy ra tại các địa phương như xã Định Long (huyện Yên Định, Thanh Hoá); huyện Lạng Giang, Bắc Giang.

Trước đó ngày 19/2, Cục Thú y thông báo phát hiện 3 ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Tại Hưng Yên có 2 ổ dịch với hơn 130 con lợn. Tại Thái Bình, có một ổ dịch với 123 con lợn. Toàn bộ số lợn mắc bệnh trên đã được tiêu hủy.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc: Theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, nước này thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch bệnh xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Tiến sĩ Pawin Padungtod thuộc Trung tâm khẩn cấp kiểm soát dịch bệnh động vật lây truyền qua biên giới (FAO) cho biết dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm từ lợn sang người. Vì vậy, mọi người không quá lo lắng và tẩy chay thịt lợn.

Hoàng Minh

Xem thêm: