Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã được khởi công vào ngày 3/5, do UBND huyện Thủy Nguyên làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư hơn 427 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. 

bai coc cao quy
Khu bãi cọc Cao Quỳ nhìn từ trên cao. (Ảnh: haiphong.gov.vn)

Theo UBND TP Hải Phòng, dự án nhằm bảo tồn di tích và hoàn thiện đường vành đai phía Bắc huyện Thủy Nguyên (từ đường tỉnh 359 tại đầu đập Minh Đức tới đường tỉnh 352 xã Lại Xuân).

Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ (dấu vết của trận Bạch Đằng lần thứ 3, năm 1288) có diện tích khoảng 30.680 m². Gồm các hạng mục: cổng chính rộng 20m xây trụ và mái cổng kiểu kiến trúc cổ lợp ngói mũi hài, cánh cổng là gang đúc chi tiết hoa văn; hệ thống tường bao tổng chiều dài 724m xây gạch, mái mũ tường ngói giả cổ; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có diện tích 360m², 1 tầng theo kiến trúc giả cổ; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che khung cột giả cổ diện tích 2.000m².

Hệ thống đường dẫn đi xuống bãi cọc cho khách tham quan nằm trong phạm vi nhà mái che. Mặt bằng bãi cọc phát lộ được bảo tồn theo hướng lấp đất, xây dựng hình tượng cọc 3D lộ thiên cho khách tham quan.

Ngoài ra, khu bảo tồn có hệ thống sân vườn, thảm cỏ rộng 20.000m², khu nhà vệ sinh, nhà bảo vệ…

bai coc cao quy 1
Các cọc xuất lộ với tình trạng gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc. (Ảnh: haiphong.gov.vn)

Tuyến đường vào Khu bãi cọc có chiều dài 3,488km, nối QL.10 tới khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng từ 18-22m, trong đó mặt đường rộng 12m và vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc hè rộng 5m; bãi đỗ xe rộng 1ha. Dọc tuyến đường lắp hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh bóng mát là lim xanh, long não, xà cừ…

Tổng mức đầu tư xây dựng tuyến đường và Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ là 427,521 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, dự kiến thi công dự án trong 135 ngày (4,5 tháng).

Bãi cọc gỗ tại xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) được phát hiện, khai quật vào cuối tháng 11/2019. Theo kết quả khai quật do Viện Khảo cổ kết hợp Bảo tàng Hải phòng thực hiện, khu vực khai quật rộng 950m² với 3 hố, 27 cọc.

Các cọc xuất lộ đã bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sậm. Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, cách nhau theo chiều đồng tây khoảng 5-7m, chiều bắc nam 3,5-5m. Kích thước các cọc không đều nhau, loại nhỏ đường kính 10-18cm, loại lớn 28-32cm; có cọc có đường kính 37-40cm.

Dựa vào địa tầng, các nhà khảo cổ đoán định khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông, bị phủ lấp. Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 (lưu trữ tại đình Làng Mai) cho thấy cọc này có niên đại 1.270-1.430 AD.

Tuy nhiên, tại hội nghị báo cáo kết quả do Viện Khảo cổ và UBND TP Hải phòng tổ chức vào tháng 12/2019, nhiều ý kiến cho rằng cần phải cẩn trọng hơn trong các kết luận. Ông Lê Văn Sinh – nguyên giảng viên bộ môn phương pháp luận sử học tại khoa lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội – cho biết còn quá sớm để đưa ra khẳng định rằng các cọc gỗ kia thuộc về sự kiện cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba năm 1288.

TS Mai Thanh Sơn (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho hay ngoài xác định cacbon phóng xạ thì cần phải mời các chuyên gia địa mạo học, địa chất vào khoan thăm dò xác định sự dịch chuyển biến động đường bờ, sự dịch chuyển các dòng sông, xem ở đó trước đây có phải là một dòng sông hay không; mời các nhà văn hóa học khảo sát những đền, chùa, những thần tích, thần phả, những truyền thuyết ở địa phương để tìm ra những hạt nhân gì hợp lý khẳng định bãi cọc ở Cao Quỳ là bãi cọc liên quan tới trận đánh quân Nguyên năm 1288. Ngoài ra, cần mời các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về phương pháp đóng hay chôn cọc (điều mà các nhà khảo cổ chưa trả lời được), cũng như đưa ra những giả định khác về công năng của cọc…

Tuy nhiên, tại thời điểm này, TS Nguyễn Gia Đối – quyền viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam – cho biết sử học còn nhiều quan điểm chưa thống nhất về cuộc chiến chống quân Nguyên của nhà Trần. Kết luận của viện dựa trên kết quả giám định niên đại phóng xạ và những ghi chép và hệ thống thờ cúng các vị tướng triều Trần, những địa danh liên quan tới trận đánh Trúc Động…

Nguyễn Sơn