Ổ dịch xuất hiện tại huyện Chương Mỹ với tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 2.397 con. Trước đó, Nghệ An cũng xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6.

cúm A/H5N6 tại Bà Rịa - Vũng Tàu,
Hà Nội xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6. (Ảnh minh họa: shutterstock)

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết ngày 3/2, đàn vịt 34 ngày tuổi của hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) có hiện tượng ăn ít, sốt cao, đầu sưng, cổ nghẹo, bơi lòng vòng. Trong tổng đàn 2.397 con, có 385 con bị chết.

Sau đó, cán bộ thú y xuống lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Kết quả, đàn vịt tại hộ gia đình ông Sơn dương tính với cúm A, chủng H5N6.

Để khống chế bệnh, UBND huyện yêu cầu UBND xã Phú Nghĩa xây dựng kế hoạch, triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn xã theo quy định. Rà soát, thống kê, nắm bắt tình hình dịch bệnh đàn gia cầm tại thôn có dịch và toàn xã Phú Nghĩa. Phát hiện kịp thời gia cầm mới mắc, tiến hành khống chế, bao vây dập dịch kịp thời, tránh để lây lan ra diện rộng. Ban hành quyết định và tổ chức tiêu hủy toàn bộ dàn gia cầm của các hộ chăn nuôi có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm gia cầm thể độc lực cao và xử lý gia cầm mắc bệnh theo quy định.

Cùng với đó, huyện yêu cầu lập các chốt kiểm dịch để ngăn chặn, không cho vận chuyển gia cầm và các sản phẩm của gia cầm cảm nhiễm với bệnh cúm gia cầm ra khỏi thôn có dịch. Khẩn trương triển khai vệ sinh tiêu độc khử trùng tại hộ có dịch 1 lần/ngày, trong 7-10 ngày liên tục; tại thôn có dịch 1 lần/tuần và 1 lần trên toàn xã Phú Nghĩa. Tổ chức tiêm phòng vắc xin cho gia cầm khỏe mạnh tại thôn có dịch; đồng thời, tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia cầm mẫn cảm tại các thôn chưa có dịch tiếp giáp xung quanh,…

Trước đó, tại Nghệ An cũng xuất hiện một ổ dịch cúm A/H5N6 trên đàn gia cầm 160 con thuộc 2 gia đình bà Hồ Thị Tình và ông Hồ Hữu Thắng, ở xóm Hồng Phú (thuộc xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu).

Ông Hồ Nghĩa Đường – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hồng cho biết ngay sau khi xảy ra ổ dịch cúm A/H5N6, xã triển khai kế hoạch tiêu hủy toàn bộ số gia cầm trên, tiêm phòng vắc xin H5N6 đối với số gia cầm, thủy cầm hiện có, đồng thời mua hóa chất, vôi bột phục vụ công tác tiêu độc khử trùng.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm H5N6 là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút,…

Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Bộ Y tế yêu cầu các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh chết trong vùng dịch cúm A/H5N6 thì cơ sở y tế điều trị phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Mỹ Lệ