Chính quyền Hà Nội muốn lắp camera khép kín tại các quận, nhưng kinh phí không được tiết lộ. Còn chính quyền TP.HCM thì muốn lắp tới 10.000 camera, kinh phí 1.600 tỷ đồng. Các camera có chức năng nhận diện khuôn mặt; nhận dạng phương tiện; phát hiện các sự cố về an ninh trật tự, an toàn giao thông,…

lắp camera giám sát, Hà Nội, TP.HCM
Hà Nội, TP.HCM thi nhau lắp camera giám sát, nhận diện khuôn mặt. (Ảnh: Lê Minh)

Báo chí trong nước vừa lan truyền tin, TP.HCM tổ chức khảo sát việc thực hiện đề án “Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh”.

Để làm “đô thị thông minh”, chính quyền thành phố đang hoàn thiện 5 dự án với tổng mức đầu tư cả ngàn tỷ đồng, đặc biệt là việc xây dựng “hệ thống camera tập trung”.

Để xây dựng “hệ thống camera tập trung”, chính quyền thành phố sẽ cho lắp hơn 10.000 camera tổng vốn hơn 1.600 tỷ đồng, theo hai giai đoạn từ năm 2019-2021 và từ năm 2021-2025.

Báo chí trong nước ví hệ thống camera này như là “mắt thần”, với chức năng là nhận diện khuôn mặt; nhận dạng phương tiện; phát hiện các sự cố về an ninh trật tự, an toàn giao thông,… Các camera giám sát được kết nối dữ liệu về trung tâm hình ảnh giám sát camera tập trung của thành phố.

Tờ Lao động thống kê đến nay, tại TP.HCM, số lượng camera được tính hợp về Trung tâm điều hành hơn 1.100 camera. Trong đó có ít nhất 50 camera thông minh có khả năng nhận diện khuôn mặt, nhận dạng loại phương tiện, phát hiện đám đông, các sự cố về giao thông, an ninh trật tự,…

Ngoài xây dựng “hệ thống camera tập trung”, chính quyền thành phố còn làm các dự án khác như:

Dự án “Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh TP.HCM” do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện 2019 – 2022, tổng mức đầu tư là 958,67 tỷ đồng. Dự án nhằm đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; đầu tư, lắp đặt hệ thống trang thiết bị của trung tâm điều hành; xây dựng và cài đặt hệ thống phần mềm ứng dụng điều hành, phân tích dữ liệu…

Dự án “Xây dựng trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của TP.HCM thông qua một đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2019 – 2025” do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư la 992,54 tỷ đồng.

Chính quyền sẽ đầu tư mua sắm các thiết bị chính như thiết bị di động cho lực lượng ứng cứu, hệ thống điều khiển vô tuyến… thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với hệ thống tổng đài IP, mạng IP chuyên dùng cho tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp, dịch vụ bản đồ số… Thời gian thực hiện dự án là giai đoạn 2019 – 2025.

Dự án “Triển khai hệ thống quản lý, lưu trữ cơ sở dữ liệu thuộc Kho dữ liệu dùng chung của thành phố – giai đoạn 1” do Sở Thông tin và Truyền thông làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là giai đoạn 2019-2022, tổng mức đầu tư là 48,78 tỷ đồng. Dự án sẽ thực hiện mua sắm bản quyền và triển khai phần mềm hệ quản trị cơ sở dữ liệu lưu trữ cho kho dữ liệu gốc thuộc kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM.

Dự án “Triển khai giải pháp bảo mật và an toàn thông tin TP.HCM” do Văn phòng UBND thành phố làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện là giai đoạn 2020-2022, tổng mức đầu tư: 127,011 tỷ đồng.

Chính quyền sẽ đầu tư mua sắm thiết bị và các giải pháp bảo mật cho các hệ thống thông tin của UBND thành phố; tư vấn, triển khai các sản phẩm mật mã để bảo mật các thông tin thoại, fax; thông tin lưu giữ trên các thiết bị điện tử và các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin khác theo yêu cầu cụ thể của thành phố…

Cùng với TP.HCM, Hà Nội cũng tiến hành đầu tư, lắp đặt hàng loạt camera. Tờ Tiền Phong hôm 15/7 dẫn lời từ ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, yêu cầu lắp camera an ninh khép kín các quận của thành phố. Nhưng, chi phí đầu tư không được tiết lộ.

Xin nhắc lại, hồi năm 2019, dư luận xôn xao khi HĐND tỉnh Vĩnh Long thông qua dự án lắp “114 camera với giá 199,1 tỷ đồng” – tức mỗi chiếc có giá bình quân tới hàng trăm triệu đồng.

Tờ VietNamnet dẫn lại ý kiến từ bạn đọc Trần Trọng Vinh, rằng: “Hiện rất nhiều địa phương đang đua nhau trang bị camera phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội, giao thông thông minh rồi “Thành phố thông minh”, nhưng thiếu tính chuyên nghiệp, đồng bộ và không tận dụng cơ sở hạ tầng cũng như nguồn lực đã được đầu tư trong nhân dân dẫn đến đầu tư, mua sắm không đúng, trang bị xong không dùng được, không hiệu quả và đặc biệt không mang tính kế thừa gây lãng phí tiền của nhà nước, tiền thuế của dân.

Chúng tôi thiết nghĩ, trang bị là cần thiết xong cần được nghiên cứu kỹ phương án trước khi đầu tư. Là chuyên gia đã hoạt động trong lĩnh vực này, tôi nghĩ với 2 tỉnh Sóc Trăng, Vĩnh Long thì chỉ cần 20 – 30 tỷ, kết hợp với hàng ngàn camera trong dân, các nhà máy, xí nghiệp là đã đảm bảo kiểm soát anh ninh rồi.

Dành tiền còn lại để xây cầu, trường học, bệnh viện dân sinh tốt lên, cũng góp phần nâng cao ý thức của dân, giảm thiểu hành vi phạm tội, và là cái gốc để đảm bảo an ninh”.

Xin nói thêm, trước đó, Trung Quốc đã triển khai hệ thống giám sát Skynet hay còn gọi là ‘Thiên võng’ từ năm 2015 tại nhiều thành phố.

Đây là hệ thống giám sát bằng công nghệ cao với quy mô khổng lồ bằng cách kết hợp camera an ninh trên đường phố với trí tuệ nhân tạo (AI), với các ứng dụng như nhận dạng khuôn mặt là nền tảng cho các dịch vụ về hệ thống giám sát.

Tại Hội nghị Internet toàn cầu lần 6 diễn ra ở Chiết Giang (Trung Quốc), Bắc Kinh tuyên bố đến năm 2020, chính quyền sẽ hoàn thành lắp đặt 626 triệu camera theo dõi trên cả nước và gần như cứ 2 người dân thì có một camera.

Hoàng Minh