UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt; ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt…

cafe đường tàu
Trong khi công ty đường sắt, cơ quan chủ quản và chính quyền TP yêu cầu xóa bỏ, một số chuyên gia du lịch và giao thông cho rằng khó có thể xóa, Hà Nội nên giữ “cà phê đường tàu” như một điểm thu hút du lịch, có thêm các biện pháp đảm bảo an toàn thay vì ngăn cấm. (Ảnh: Shutterstock)

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng vừa ký văn bản gửi Cục Đường sắt Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố và UBND một số quận, huyện về việc xử lý, đình chỉ hoạt động các quán cà phê sát đường tàu.

Chính quyền TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, bàn giao để phối hợp quản lý các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn.

Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện của UBND các quận, huyện nêu trên và báo cáo UBND TP trước ngày 12/10.

Trước đó ngày 3/10, Bộ GTVT đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt; thực hiện các biện pháp ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

Theo Bộ GTVT, hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn nghiêm trọng.

cafe đường tàu
Khoảng cách từ bàn cà phê đến đường ray tàu hỏa. Chủ quán sẽ căn cứ theo giờ tàu chạy và cảnh báo của tàu để yêu cầu du khách dọn vào trong mỗi khi tàu chạy qua. (Ảnh: Shutterstock)

Bộ GTVT cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tiếp tục tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý, giải tỏa dứt điểm các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt của các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt, có hành vi họp chợ, buôn bán hàng trong lòng đường sắt.

“Cần xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt”, Bộ GTVT đề nghị.

Phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam – ông Đoàn Duy Hoạch cho biết đề nghị của Bộ GTVT dựa trên đề xuất của Tổng Công ty Đường sắt. Ông Hoạch cho hay khi đi qua khu vực này, tàu thường phải giảm tốc độ xuống dưới 30km/h, có cảnh báo từ xa để chờ du khách nhường đường, gây chậm giờ tàu. Nhiều đoàn tàu thay đổi giờ chạy có thể đi qua bất ngờ và không đảm bảo an toàn cho du khách đi lại trong khu vực.

Đối với việc duy tu bảo trì đường sắt, công nhân khi bảo trì đường thường phải giải tỏa bàn ghế được đặt trên đường sắt, mất nhiều thời gian để máy móc vào; rác thải xả quanh khu vực…

cafe đường tàu
Sinh hoạt của người dân từ lâu đã đan xen với đoạn đường tàu, tháng 8/2015. (Ảnh: Shutterstock)

Khoản 1 Điều 16 Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên đối với đường sắt đô thị đi trên mặt đất và đường sắt còn lại là 3 m.

Tuy nhiên, hành lang đường sắt qua khu vực từ đường Điện Biên Phủ đến phố Phùng Hưng, tính từ đường ray đến cửa nhà dân chỉ khoảng 2 m. Nhiều năm qua, sinh hoạt thường nhật của người dân đan xen vào hành lang đường sắt, thậm chí diễn ra trên đường ray vào thời điểm không có tàu chạy qua.

Từ khoảng năm 2018, sau khi khung cảnh nhịp sống đặc biệt diễn ra quanh đoạn đường tàu hỏa này lên báo nước ngoài, nhiều du khách nước ngoài tới tham quan. Theo đó, nhiều quán “cà phê đường tàu” được mở dọc tuyến đường sắt, kinh doanh theo thị hiếu trải nghiệm, tham quan của du khách.

Nguyễn Sơn

Xem thêm: