Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông “là dự án quan trọng của quốc gia, cần thúc đẩy đi vào hoạt động nhằm giảm thiểu tổn thất, lãng phí và có ý nghĩa quan trọng trong đối ngoại”.

duong sat cat linh ha dong
Một nhà ga của hệ thống đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Ảnh: Sơn Trà)

Chiều ngày 26/3, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ đã làm việc với các bộ, ngành về các dự án giao thông trọng điểm, nhằm giảm ùn tắc giao thông tại thành phố.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt 9,75% (tiêu chuẩn là 20- 26%), mật độ đường giao thông đạt 1,7 km/km2 (tiêu chuẩn là 4,0- 6,5 km/km2), diện tích đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% (tiêu chuẩn là 3- 4%), tỷ lệ vận tải hành khách công cộng là 17,03% (tiêu chuẩn là 50- 55%).

Do đó, ùn tắc giao thông tại Hà Nội là khó tránh khỏi và sẽ ngày càng phức tạp. Nguyên nhân là do hệ thống kết cấu hạ tầng bị quá tải, gây ra tai nạn giao thông càng gia tăng ùn tắc, ngập lụt các nguyên nhân liên quan tới tổ chức thi công các công trình, quản lý xây dựng và ý thức người tham gia giao thông.

Để khắc phục tình trạng ùn tắc, các bộ, ngành và TP thống nhất tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, duy tu bảo trì và tổ chức giao thông, phát triển vận tải công cộng để giảm phương tiện giao thông cá nhân, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải,…

Về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết vướng mắc nhất hiện nay của dự án là vấn đề thanh toán, quyết toán, nhất là việc thực hiện kết luận liên quan của Kiểm toán Nhà nước đã làm ảnh hưởng tới tiến độ mà tới nay hai bên chưa đạt được thống nhất chung. Trong khi đó, diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ làm chậm tiến độ vận hành thử và bàn giao dự án cho TP. Hà Nội theo kế hoạch đề ra.

Để giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án, lãnh đạo các bộ, ngành và UBND TP đề nghị thành lập Tổ công tác do Thứ trưởng Bộ GTVT làm Tổ trưởng, Phó Chủ tịch UBND làm Tổ phó và thành viên là lãnh đạo một số bộ ngành để xây dựng một Kế hoạch, phân loại các công việc của Ban quản lý dự án, Tổng thầu, từng Bộ, ngành và Hà Nội, báo cáo Chính phủ quyết định, nhằm nghiệm thu, bàn giao và vận hành có điều kiện, thúc đẩy dự án đi vào hoạt động.

Đây là dự án quan trọng của quốc gia, cần thúc đẩy đi vào hoạt động nhằm giảm thiểu tổn thất, lãng phí và có ý nghĩa quan trọng trong đối ngoại” – ông Huệ nói.

Dự án tuyến Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13km, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD) từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Tổng thầu EPC do phía Trung Quốc chỉ định (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc).

Dự án sau đó được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD). Qua nhiều lần hứa hẹn (mốc hẹn từ tháng 9/2016, rồi đến tháng 10/2017, tháng 12/2017, rồi dời sang 9/2018, rồi đến tháng 6/2019), đến nay (năm 2020), dự án vẫn chưa đủ an toàn để khai thác thương mại, khiến nhiều người bức xúc.

KTNN cũng đã chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan tới dự án như Tổng thầu thiếu kinh nghiệm, thiết kế cơ sở sơ sài,… Đặc biệt, dự án còn chi sai tới gần 3.000 tỷ đồng. Số tiền chi sai chủ yếu do chủ đầu tư tính sai khối lượng, sai đơn giá, nhiều hạng mục xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị chưa phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

Kim Long