Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có yêu cầu về việc giao các nhà đầu tư lập đề xuất đầu tư dự án các tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội ưu tiên, giai đoạn đến năm 2025.

cát linh hà đông
Dự án dường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông liên tục chậm tiến độ. (Ảnh: Sơn Trà)

Các dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị thành phố gồm: Tuyến số 5 đoạn Văn Cao – Hòa Lạc, tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình và tuyến số 4 đoạn Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà.

Phó Thủ tướng cũng có yêu cầu về việc thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học và công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực thi hành.

Bộ GTVT được giao rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3.

Liên quan tới 3 dự án đường sắt đô thị, trước đó, TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ cho hai tập đoàn Vingroup và T&T làm theo hình thức PPP, phương thức BT đổi đất lấy hạ tầng. Trong đó, Vingroup đề xuất 2 đoạn tuyến là tuyến số 5 dài 38,4 km và tuyến số 2 dài 5,9 km. T&T đề xuất đoạn tuyến số 4 dài 54 km.

Ngoài ra, theo quyết định số 519/QĐ-TT ngày 31/3/2016 về Phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 410 km với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD.

10 tuyến đường sắt đô thị được Hà Nội quy hoạch gồm:

  • Tuyến số 1: Gồm 02 nhánh: Ngọc Hồi – Ga trung tâm Hà Nội – Gia Lâm – Yên Viên và Gia Lâm – Dương Xá (Phú Thụy) với chiều dài khoảng 36 km.
  • Tuyến số 2: Nội Bài – Nam Thăng Long – Hoàng Hoa Thám – Bờ Hồ – Hàng Bài – Đại Cồ Việt – Thượng Đình – Vành đai 2,5 – Hoàng Quốc Việt với chiều dài khoảng 42 km.
  • Tuyến số 2A: Cát Linh – Ngã tư Sở – Hà Đông với chiều dài khoảng 14 km.
  • Tuyến số 3: Trôi – Nhổn – ga Hà Nội – Hoàng Mai với chiều dài khoảng 26 km.
  • Tuyến số 4: Mê Linh – Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy – Vành đai 2,5 – Cổ Nhuế – Liên Hà với chiều dài khoảng 54 km.
  • Tuyến số 5: Đường Văn Cao – Ngọc Khánh – Đại lộ Thăng Long – Vành đai 4 – Hòa Lạc với chiều dài khoảng 39 km.
  • Tuyến số 6: Nội Bài – Phú Diễn – Hà Đông – Ngọc Hồi với chiều dài khoảng 43 km;
  • Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới Nhổn – Vân Canh – Dương Nội với chiều dài khoảng 28 km.
  • Tuyến số 8: Sơn Đồng – Mai Dịch (trung chuyển với tuyến số 2) – Vành đai 3 – Lĩnh Nam – Dương Xá với chiều dài khoảng 37 km.
  • Tuyến Sơn Tây – Hoà Lạc – Xuân Mai với chiều dài khoảng 32 km, từ khu đô thị vệ tinh Sơn Tây, tuyến đi theo hướng Quốc lộ 21 kéo dài đến các đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai.

Kim Long

Xem thêm: