Ngày 5/12, 8 học sinh lớp 3 (6 nam, 2 nữ) Trường Tiểu học Hoàng Liệt có biểu hiện buồn nôn, khó chịu do hút thử thuốc lá điện tử trong giờ nghỉ trưa.

thuoc la dien tu
Nhiều thiết bị thuốc lá điện tử có hình dáng nhỏ gọn tương tự USB nên dễ xâm nhập vào môi trường học đường. (Ảnh: suckhoedoisong.vn)

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xác nhận tại trường có xảy ra sự việc trên.

Theo bà Hạnh, sáng ngày 5/12, 1 học sinh lớp 3 của trường nhặt được một điếu thuốc lá điện tử ở bên ngoài trường. Sau giờ ăn trưa, do tò mò, 8 học sinh cả nam và nữ trong lớp đã nghịch thuốc lá điện tử đó.

“Một lúc sau các cháu có biểu hiện buồn nôn, khó chịu. Nhà trường đã đưa các cháu đến Bệnh viện Bạch Mai để kiểm tra, đồng thời kiểm tra cả an toàn thực phẩm trong bữa ăn bán trú. Tuy nhiên, kết luận của bác sĩ cho thấy các cháu có biểu hiện buồn nôn do hít phải khói thuốc lá điện tử. Sau khi kiểm tra, học sinh ở lại bệnh viện để theo dõi, đến nay sức khỏe đã ổn định và trở lại học bình thường”, bà Hạnh nói.

Cách đây không lâu, nhóm 7 nữ sinh lớp 11 của một trường THPT ở Quảng Ninh rủ nhau hút thuốc lá điện tử cũng có biểu hiện chóng mặt, nôn ngay trong lớp.

Thực tế gần đây, các bệnh viện liên tục ghi nhận các ca ngộ độc phải nhập viện cấp cứu có liên quan đến thuốc lá điện tử, đặc biệt các nạn nhân hầu hết là người trẻ, đa phần là học sinh.

Điều nguy hiểm, thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em. Trẻ em không may nuốt, uống, hoặc hấp phụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật.

Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong.

Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hóa học phụ gia như methyl salicylate, glycerin, hay propylence glycol. Đây là các hóa chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi.

Theo cảnh báo từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong các ca ngộ độc thuốc lá điện tử, qua xét nghiệm cơ quan chức năng phát hiện chất ADB – BUTINACA có tác dụng gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm trong các loại thuốc lá điện tử.

Còn theo Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), gần đây tội phạm ma túy đã chế tạo những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử, dùng dụng cụ thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép. Các chất ma túy này khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người xung quanh không may uống nhầm.

Theo khuyến cáo của TS. BS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cha mẹ, thầy cô cần lưu tâm tới trẻ để nhận biết sớm các dấu hiệu của trẻ dùng thuốc lá điện tử.

Điển hình, trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, có các biểu hiện hô hấp như ho, hụt hơi, khó thở vì trong thuốc lá điện tử có một số chất có hại cho phổi.

Trẻ thay đổi hành vi, với biểu hiện lo âu, cáu gắt, thậm chí trẻ có xu hướng tham gia các hành vi mạo hiểm.

Thuốc lá điện tử đa dạng về kích thước và hình dáng, do vậy có thể xuất hiện dưới dạng ống, USB… Cha mẹ nếu tìm thấy những vật thể có hình dạng bất thường trong nhà, thì có thể đưa đến Bệnh viện để kiểm tra.

Cha mẹ lưu tâm tới việc xuất hiện mùi lạ bởi thuốc lá điện tử thường có mùi hoa quả hấp dẫn trẻ. Những mùi phổ biến là mùi cam, bạc hà, chanh.

Ngoài ra, trẻ có xu hướng lén lút sử dụng cùng với bạn bè, do vậy cha mẹ nên để ý khi trẻ có buổi đi chơi đáng ngờ, tham gia chơi cùng nhóm bạn mới, nhắn tin hay trò chuyện bí mật.

Cũng theo bác sĩ Vinh, để hạn chế tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay ở lứa tuổi vị thành niên, vai trò của gia đình trong đó có bố mẹ là rất quan trọng. Do đó, bố mẹ cần chú ý dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt; Phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của trẻ để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, gia đình cần liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.

Minh Long