UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Nghị quyết tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.

ha noi dung hoat dong cua xe may tai cac quan nam 2030
Với tốc độ tăng tự nhiên, đến năm 2025 Hà Nội sẽ có 1,3 triệu ô tô; 7,3 triệu xe máy.

Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện thành phố có hơn 5 triệu xe máy (tăng 7,6%/năm) và hơn 500.000 ô tô các loại (tăng 12,9% mỗi năm), trên 1 triệu xe đạp, hơn 10.000 xe đạp điện, chưa kể số lượng lớn các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động. Trong khi đó, tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố ở mức bình quân 3,9%/năm.

Với tốc độ tăng tự nhiên phương tiện ô tô, xe máy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 938.000 ô tô, hơn 6,2 triệu xe máy; đến năm 2025 sẽ có 1,3 triệu ô tô; 7,3 triệu xe máy.

Như vậy, đến năm 2020, nếu toàn bộ phương tiện lưu hành với vận tốc 20 km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 502% (5 lần) diện tích mặt đường của thành phố. Tương tự đến năm 2025, sẽ vượt 690% (vượt 6,9 lần).

Theo dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến, để quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường, TP. Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp:

1.Quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông;

2. Quản lý về chất lượng phương tiện tham gia giao thông;

3. Quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông;

4. Phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng;

5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý;

6. Tăng cường việc quản lý nhà nước về giao thông vận tải.

Trong đó, để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, thành phố sẽ lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi tại khu vực thành phố đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020; Quản lý các xe hợp đồng đến 9 chỗ ngồi bằng phần mềm hoạt động tương tự như xe taxi; Cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng đối với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi như: Uber, Grab,…

Thành phố cũng dự kiến sẽ quy định chủ sở hữu xe ô tô trong khu vực thành phố phải mở tài khoản điện tử và lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông,…

Đối với việc quản lý chất lượng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, thành phố sẽ cho rà soát, thu hồi và loại bỏ đối với các phương tiện tự hoán cải, cũ nát, quá niên hạn sử dụng khi tham gia giao thông; Thực hiện quản lý chất lượng ô tô theo đăng kiểm và niên hạn sử dụng,… Đề xuất mức phụ thu ô nhiễm môi trường đối với các loại xe cơ giới theo mức khí thải khi lưu hành thông qua đăng kiểm phương tiện.

Để quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông, thành phố sẽ tiến hành cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; Rà soát, mở rộng danh mục các tuyến phố cấm dừng, cấm đỗ đối với ô tô; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ.; Rà soát, nghiên cứu ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh trong khu vực thành phố,…

Đối với xe máy, thành phố sẽ tiến hành thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy của thành phố; Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030.

Thành phố cũng sẽ rà soát, thống kê, dừng hoạt động đối với xe thương binh ba bánh chở hàng và có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, việc làm đối với các thương binh có xe ba bánh chở hàng đang hoạt động; Quy định dừng hoạt động đối với xe xích lô trong khu vực thành phố,…

Đối với nhóm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, thành phố sẽ quy định phải lắp đặt thiết bị trả phí tự động trên tất cả các ô tô, mỗi chủ phương tiện phải đăng ký tài khoản để phục vụ việc thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trong thành phố và quản lý các phương tiện. Nội dung này sẽ được ban hành sau khi Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực của thành phố được phê duyệt.

Theo dự thảo, các nhóm giải pháp sẽ được thực hiện theo lộ trình với 3 giai đoạn:

  • Từ 2017-2018: Thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
  • Giai đoạn 2017-2020: Thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng.
  • Giai đoạn 2017-2030: Thực hiện đồng thời, đồng bộ các nhóm giải pháp về đầu tư, xây dựng, kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng TOD, sắp xếp hợp lý giao thông tĩnh phục vụ việc kết nối…

Xem chi tiết toàn văn dự thảo được công bố tại đây.

Lộ trình dừng hoạt động của xe máy tại các quận của TP. Hà Nội:

  • Hàng năm: thực hiện truyền tải thông tin lộ trình dừng hoạt động của xe máy tại khu vực các quận của thành phố vào năm 2030.
  • 2017-2020: Điều tra rà soát thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng (theo năm sản xuất);
  • 2017-2020: Nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải đối với xe máy nhằm kiểm soát số lượng xe máy hoạt động trong khu vực thành phố;
  • 2017-2030: Thu hồi, tiêu hủy phương tiện xe máy cũ không đủ tiêu chuẩn; ban hành cơ chế hỗ trợ khi thu hồi phương tiện (khi đảm bảo đủ điều kiện pháp lý về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải);
  • 2025-2029: Thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại một sô tuyến trục chính, một số khu vực trung tâm của thành phố;
  • 2030: Dừng hoạt động của xe máy tại khu vực các quận.

Đăng Nguyên

Xem thêm: