Chủ tịch UBND Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường nghiên cứu, tìm vị trí lắp đặt thêm 30 – 50 trạm quan trắc không khí trong Quý I.

ô nhiễm không khí, Đại học Kinh tế Quốc dân
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. (Ảnh: Trọng Đạt)

Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có văn bản giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, đơn vị trong công tác bảo đảm vệ sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, ông Chung yêu cầu các công ty vệ sinh môi trường cần bảo đảm quá trình thu gom, vận chuyển rác sạch sẽ; cải tiến đầu phun của các xe tưới nước rửa đường.

Chủ tịch Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu, xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển rác bằng công nghệ thông minh; nâng cấp các trạm cân, lắp đặt camera để kiểm soát xe vận chuyển rác, không thu gom lẫn lộn các loại rác.

Liên quan đến hệ thống quan trắc không khí, Sở Tài nguyên và Môi trường được đề nghị lựa chọn 30 – 50 vị trí để lắp đặt trạm quan trắc môi trường theo dự án đã được phê duyệt, hoàn thành trong quý I/2020.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế đề xuất xây dựng nội quy, quy chế công bố thông tin quan trắc và chỉ số chất lượng không khí tuân thủ tiêu chí, tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, ông Chung yêu cầu các sở, ngành, UBND các địa phương vận động nhân dân không sử dụng bếp than tổ ong; không đốt rác bừa bãi, hạn chế đốt hương, vàng mã; yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động phá dỡ công trình, theo đó phải có biện pháp che chắn, đảm bảo vệ sinh; chỉ cấp phép tháo dỡ khi có hợp đồng vận chuyển vật liệu phế thải xây dựng với đơn vị có đủ điều kiện theo quy định và phải rõ địa chỉ đổ phế thải.

Việt Nam mất hơn 13 tỷ USD do ô nhiễm không khí

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, thành phố hiện có 13 trạm quan trắc chất lượng không khí tiêu chuẩn, trong đó có 11 trạm đang được Sở Tài nguyên Môi trường trích xuất dữ liệu thường xuyên.

Thời gian qua, ô nhiễm không khí diễn ra liên tục ở Hà Nội với nhiều đợt ô nhiễm dài ngày, có thời điểm lên ngưỡng nguy hại. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam dự báo tình trạng ô nhiễm không khí sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm tới khi dân số tăng lên, phương tiện giao thông gia tăng, và các hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.

Mới đây, một nghiên cứu từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, thiệt hại của ô nhiễm không khí ở Việt Nam năm 2018 ước tính từ 10,82 – 13,63 tỷ USD (240.000 tỷ đồng), tương đương 4,45% – 5,64% GDP.

Nguyễn Hà

Xem thêm: