Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy ở các quận vào năm 2030 và cấm ôtô theo ngày, theo giờ ở một số tuyến phố.

ha noi chinh thuc cam xe may tu nam 2030
Từ nay đến năm 2030 Hà Nội sẽ từng bước hạn chế đến dừng hoạt động của xe máy trong nội đô. (Ảnh: Sơn Trà)

Ngày 25/8, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết UBND TP. Hà Nội vừa chính thức ký ban hành Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030“.

Trước đó, ngày 4/7, đề án này đã được HĐND TP thông qua.

Mục tiêu của đề án là tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30% – 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50% – 55%. Các đô thị vệ tinh sẽ đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại vào năm 2020 và 40% vào năm 2030.

Tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20% – 26% cho đô thị trung tâm.

Ngoài ra, đề án đưa ra mức phụ thu ô nhiễm môi trường; giải pháp cấm ô tô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; quy định hoạt động của taxi ngoại tỉnh, cấp hạn ngạch hoạt động taxi (gồm cả xe Uber, Grab,…) trong nội đô.

Đề án đưa ra giải pháp hạn chế ô tô cá nhân bằng cách chủ sở hữu ô tô phải mở tài khoản điện tử, lắp thiết bị phụ trợ để quản lý phương tiện giao thông; thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng lũy tiến theo giờ và tăng nhiều hơn khi vào khu vực trung tâm thành phố,…

Các giải pháp sẽ được áp dụng đồng bộ như: quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; chất lượng phương tiện tham gia giao thông; quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông; phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý…

Đề án được thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2030, gồm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 2017 – 2018: quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
  • Giai đoạn 2017 – 2020: quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng.
  • Giai đoạn 2017 – 2030: từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Bên cạnh lộ trình cấm xe máy, dự kiến từ ngày 1/1/2018, Hà Nội sẽ tiến hành thu hồi các xe máy cũ nát, không đảm bảo điều kiện về môi trường, an toàn lưu thông.

Theo đề án, toàn thành phố hiện có 5,2 triệu xe máy, hơn 485.000 ô tô; chưa tính đến 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trong thành phố. Hiện tốc độ tăng trưởng ô tô của thành phố giai đoạn 2011-2016 là 10,2 %/năm, của xe máy là 6,7 %/năm. Theo tính toán, với số lượng phương tiện nêu trên, đến năm 2020, thành phố sẽ có khoảng 843.000 ô tô, hơn 6 triệu xe máy; đến năm 2030 sẽ có hơn 1,9 triệu ô tô và 7,5 triệu xe máy.

Theo đó, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20 km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ vào Hà Nội sẽ diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Phạm Toàn

Xem thêm: