UBND TP. Hà Nội khẳng định việc đặt ga C9 sát cạnh hồ Hoàn Kiếm không ảnh hưởng đến di sản, không gian văn hóa.

Cửa số 4 thuộc nhà ga C9
Cửa số 4 thuộc nhà ga C9. (Ảnh: MRB)

UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng về vị trí quy hoạch nhà ga ngầm C9 (thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo).

UBND thành phố Hà Nội cho hay thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ II nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I, vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn; tuyến hầm đi qua bên dưới gian trước của đền Bà Kiệu, cách gò đá chân Tháp Bút 1 m nhưng là đi ngầm, đỉnh hầm cách mặt đất 12,3 m, đáy hầm cách mặt đất 18,8 m, hoàn toàn không xâm phạm vùng bảo vệ I.

Văn bản của lãnh đạo TP cũng khẳng định phương án trên được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử; bảo toàn giá trị vật thể, cảnh quan, môi trường của phố cổ, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn… không ảnh hưởng tới không gian văn hóa của trung tâm Hà Nội.

Đồng thời việc xây dựng ga ngầm C9 không phải là phá hỏng cảnh quan môi trường khu di tích, không đánh đổi Hồ Gươm lấy phát triển hệ thống giao thông công cộng như ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Đây là một sự chuyển đổi phát triển của thành phố, hướng đến sự hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng văn minh, hiện đại hơn; góp phần giảm ách tắc, cải thiện môi trường, cảnh quan và phát huy giá trị của hồ Hoàn Kiếm.

Do đó, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Thủ tướng xem xét lại các ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; chấp thuận và yêu cầu Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL xem xét có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để dự án được triển khai theo cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tuyến đường sắt số 2 là tuyến đường sắt đô thị kết nối khu đô thị mới với khu vực đô thị trung tâm thành phố có chiều dài 11,5 km, có lộ trình: Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA) – đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài – Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Thụy Khuê – Phan Đình Phùng – Hàng Giấy – Hàng Đường – Hàng Ngang – Hàng Đào – Đinh Tiên Hoàng – Hàng Bài – phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Hệ thống nhà ga, gồm 3 ga trên cao (C1-C3 và cầu cạn, dài 2,6 km), 7 ga ngầm (C4-C10 và hầm ngầm, dài 8,9 km). Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.

Ga C9 được đề xuất đặt tại vị trí Km9 + 864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm. Thân ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m và có 3 tầng: tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga.

Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10 m; tới tượng đài tưởng niệm Cảm tử quân khoảng 81 m; tới đền Bà Kiệu khoảng 83 m; tới Tháp Bút khoảng 36 m; tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ khoảng 120 m.

Trước đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng, kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 vì vị trí đặt ga C9 là “chưa tuân thủ pháp luật di sản văn hóa, xâm phạm không gian văn hóa”.

Trước nhận định này, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho hay là người làm kỹ thuật, ông Hiếu khẳng định “công trình này không vi phạm Luật Di sản Văn hóa” vì nhà ga C9 đưa hành khách đến tham quan di tích, đây cũng là công trình mang tính chất phục vụ khu vực hồ Gươm.

Ông Hiếu cũng cho biết hiện không còn phương án nào đặt vị trí nhà ga C9 và đường ống tàu điện ngầm khu vực này. Bởi vị trí đặt ga C9 còn liên quan trực tiếp đến hướng tuyến và hai ga kế tiếp (ga C8 – đặt tại vườn hoa Hàng Đậu và ga C10 – đặt tại đường Hàng Bài).

Hoàng Minh

Xem thêm: