Dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú được xây dựng dưới cột cờ Lũng Cú (thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) có tổng diện tích quy hoạch hơn 56ha với tổng mức đầu tư khoảng 889 tỷ đồng.

Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú
Ngày 22/6/2016, Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng lãnh đạo tỉnh, huyện Đồng Văn tới Dự Lễ trao chứng nhận đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú, huyện Đồng Văn. (Ảnh: baohagiang.vn)

Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú được xây dựng dưới cột cờ Lũng Cú (thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) được UBND tỉnh Hà Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư cho chủ đầu tư Tập đoàn Phúc Lộc vào ngày 22/6/2016.

Dự án có tổng diện tích quy hoạch hơn 56ha với tổng mức đầu tư khoảng 889 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Phúc Lộc Hà Giang đại diện cho Tập đoàn Phúc Lộc cho biết dự án bao gồm:

  • Khu tâm linh chùa Lũng Cú nằm ở sườn đồi phía Đông Bắc so với Cột cờ Lũng Cú, thuộc thôn Cẳng Tằng và thôn Thèn Pả, với kiến trúc truyền thống kết cấu bằng gỗ kết hợp với bê tông cốt thép sơn giả màu gỗ, mái lợp ngói mũi hài bao gồm các hạng mục chính là: Khu tâm linh Chùa, Khu Trung tâm đào tạo Phật giáo, Khu nhà khách chùa Lũng Cú.
  • Khu đại tượng Phật nằm ở thôn Lô Chải có kết cấu lõi tượng bằng khung thép, bên ngoài đổ bê tông dày từ 20-30cm.

>>> ‘Quy hoạch ngàn héc ta làm du lịch tâm linh, trong khi dân thì thiếu đất…’

Liên quan dự án, một lãnh đạo UBND xã Lũng Cú cho biết đến nay dự án đã thực hiện việc đền bù cho người dân; đang tiếp tục thực hiện các hạng mục, trong đó: hạng mục chùa cơ bản đã xong; hạng mục đền đang khẩn trương xây dựng, còn hạng mục đại tượng Phật chưa khởi động,…

Cũng liên quan tới dự án, trước đó ngày 11/6/2018, Bộ VH&TT-DL đã có văn bản số 2532 gửi UBND tỉnh Hà Giang, đưa ra nhiều lưu ý và cảnh báo.

Cụ thể, Bộ yêu cầu phải bổ sung các giải pháp chỉnh trang cảnh quan di tích Cột Cờ Lũng Cú và cảnh quan tự nhiên vốn có bao quanh hai hồ nước tại di tích.

Dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành, trong đó, cần đề xuất được những giải pháp bảo vệ môi trường nhằm tránh gây ảnh hưởng tới di tích Cột Cờ Lũng Cú và hoạt động phát triển du lịch tại Công viên địa chất toàn cầu và Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bộ còn yêu cầu phải tính toán giảm quy mô xây dựng các công trình, đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi và cảnh quan môi trường tự nhiên.

Ngoài ra, Bộ cũng lưu ý dự án cần phải xin ý kiến của một số bộ, ngành liên quan và của người dân địa phương để tạo sự đồng thuận trước khi triển khai dự án.

Tập đoàn Phúc Lộc có địa chỉ lô C2 KCN Khánh Phú (xã Ninh Phúc, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch HĐQT.

Đây là một trong những doanh nghiệp lớn nhất tỉnh Ninh Bình với số vốn điều lệ 2.650 tỷ đồng, gồm có các cổ đông như: Ông Lương Minh Tường (nắm giữ 80%), bà Đinh Thị Hương Giang (nắm giữ 16%), ông Lương Minh Tuyên (nắm giữ 1,5%), bà Đinh Thị Bảo (nắm giữ 1,5%), ông Lương Minh Tùng (nắm giữ 1%).

Tập đoàn Phúc Lộc cũng là chủ đầu tư nhiều dự án lớn ở nhiều tỉnh khác nhau như: Dự án khu biệt thự sinh thái và nhà ở liền kề (phường Hồng Châu, TP. Hưng Yên); Dự án Nhà máy chế biến Khoáng sản Gia Thanh; Dự án “Đường bao Đông Nam quận Hải An”; Dự án Đầu tư cải tạo nền, mặt đường và công trình Km8 – Km29 và Km40 – Km66 trên Quốc lộ 4A ở Lạng Sơn; Liên danh Cường Thịnh Thi – Tập đoàn Phúc Lộc – Tập đoàn Xây dựng miền Trung – CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An trúng thầu dự án cải tạo Quốc lộ 4D và xây mới Tỉnh lộ 155 nối TP. Lào Cai và Sapa; Liên danh nhà đầu tư Công ty Thái Sơn – Tập đoàn Miền Trung – Tập đoàn Phúc Lộc – Tập đoàn Cường Thịnh Thi làm dự án đường cao tốc Ninh Bình – Nghi Sơn.

Đặc biệt, hai doanh nghiệp do ông Lương Minh Tường làm Chủ tịch HĐQT còn lập ra liên danh thực hiện loạt dự án BT tại tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng.

Minh Long

Xem thêm: