Công ty Rạng Đông có thể bị truy tố về Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237 BLHS 2015); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) và Tội lừa dối khách hàng (Điều 198 BLHS).

cháy nhà máy Rạng Đông
Trong vụ cháy Rạng Đông, tổng diện tích cháy là 6.000m2, phát tán ra môi trường hơn 27 kg thủy ngân, chưa kể các kim loại nặng khác. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Mới đây, Tổng cục Môi trường cho biết Công ty Rạng Đông đã thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng chứ không phải Amalgam như công ty này trước đó báo cáo. Sự gian dối này đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ bởi nó liên quan đến sức khoẻ và tính mạng của hàng nghìn người.

Thảm hoạ xảy ra là điều không ai mong muốn, nhưng ứng phó đúng với thảm hoạ có thể giảm thiểu rất nhiều tổn thất. Ngược lại, việc che dấu thông tin, công bố sai lệch thông tin để lấp liếm trách nhiệm có thể gây ra những thảm hoạ còn lớn hơn. 

Ngoài khía cạnh đạo đức, người dân cũng đặt câu hỏi liệu việc cung cấp thông tin sai lệch về ô nhiễm môi trường có thể bị khởi tố trước pháp luật?

1.Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường

Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với vi phạm liên quan đến môi trường. 

Điều 237 BLHS quy định việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự.

Cụ thể, pháp nhân thương mại sẽ bị phạt tiền từ 1 tỷ đến 3 tỷ đồng nếu:

  •  Vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường;
  •  Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên hoặc gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.

Pháp nhân thương mại sẽ bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng nếu sự cố môi trường làm chết người hoặc gây thiệt hại từ 3 tỷ đồng đến dưới 7 tỷ đồng.

Pháp nhân thương mại sẽ bị phạt tiền từ 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng nếu sự cố môi trường làm chết 02 người trở lên và gây thiệt hại về tài sản từ 7 tỷ đồng trở lên.

Đặc biệt, pháp nhân thương mại có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (theo Điều 79 BLHS) nếu phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, trong vụ cháy tại công ty Rạng Đông, để xác định có dấu hiệu hình sự hay không, có khởi tố vụ án hình sự hay không, cơ quan điều tra cần làm rõ nguyên nhân của vụ cháy, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện quy định về phòng ngừa sự cố môi trường, thực hiện quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường và hậu quả đã gây ra đối với tổ chức, cá nhân.

Nếu có căn cứ cho thấy có tổ chức, cá nhân đã vi phạm các quy định này gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 237 BLHS thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định pháp luật.

2. Gian lận thương mại: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả & Tội lừa dối khách hàng

Ngày 30/8, trong báo cáo về diễn biến vụ cháy của công ty Rạng Đông gửi UBND Quận Thanh Xuân, đơn vị này khẳng định “đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016”.

Trên website rangdong.com.vn, công ty này viết: 

“Ngày nay với sự phát triển khoa học công nghệ, thủy ngân lỏng được thay thế bằng viên thủy ngân Amalgam (thủy ngân được bọc trong lớp vỏ kim loại). Sử dụng viên Amalgam giúp an toàn, bảo vệ môi trường và kiểm soát tốt lượng thủy ngân trong đèn. Khi bóng đèn vị vỡ có thể thu hồi viên amalgam dễ dàng và không ảnh hưởng đến môi trường.

Đối với Rạng Đông, bóng đèn compact của Rạng Đông sử dụng 100% viên amalgam nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm.”

rang dong website
Ảnh chụp màn hình website công ty Rạng Đông

Nhưng trên thực tế, công ty này đã thừa nhận bóng đèn huỳnh quang được sản xuất bằng thuỷ ngân lỏng chứ không phải amalgam.

Theo BLHS 2015, việc gian lận thương mại về nguyên liệu sản phẩm như của công ty Rạng Đông có thể bị quy vào tội sản xuất buôn bán hàng giả (Điều 192 BLHS) và tội lừa dối khách hàng (Điều 198 BLHS).

Về tội sản xuất buôn bán hàng giả: Điều 192 cho biết pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 6 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm nếu: hàng giả có giá thành sản xuất 100 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên. 

Thậm chí, nếu xác định việc sản xuất hàng giả có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường thì có thể bị đình chỉ vĩnh viễn (Điều 79 BLHS).

Về tội lừa dối khách hàng: Điều 198 quy định người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; dùng thủ đoạn xảo quyệt; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên. 

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành khởi tố vụ án để điều tra.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng chính việc che giấu sự thật của Công ty Rạng Đông đã làm cho cơ quan chức năng không nắm được sự thật của sự cố, do đó việc ứng phó sự cố, cảnh báo người dân không được kịp thời. Đồng thời, chính quyền quận Thanh Xuân (Hà Nội) ra thông báo “an toàn,” trái ngược với kết quả chính thức của Bộ TN-MT đã công bố cũng là sự dối trá cần phải làm rõ trách nhiệm. 

Ngoài ra, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng lưu ý cần làm rõ thông tin từ dư luận hiện đang cho rằng “có khả năng đây là vụ dàn dựng để chuyển giao mục đích sử dụng bất động sản sang dự án nhà ở thương mại. Điều này cần phải làm rõ, trả lời trước công luận, có hay không có”.

Tuấn Minh (t/h)

Xem thêm: