Ông Nguyễn Nhật Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam – đã đăng lời xin lỗi xoay quanh thông tin quấy rối nữ nhân viên trên trang Fanpage Nhã Nam vào khoảng 0h30 ngày 18/4.

nxb nha nam 0
Công ty sách Nhã Nam với biểu tượng mục đồng đọc sách được nhiều người biết đến. (Ảnh: Nguyễn Quân/Trí Thức VN)

Lời xin lỗi của giám đốc Nhã Nam liên quan đến thông tin rằng ông này có hành vi quấy rối một nhân viên nữ trong công ty.

Trong bài đăng trên Fanpage Nhã Nam, ông Nhật Anh gọi thông tin về vụ quấy rối nói trên là “tin đồn liên quan tới những gì đã xảy ra trong quá trình làm việc của tôi và một nữ nhân viên trong công ty”.

Đưa ra lời giải thích, ông Nhật Anh chọn cách phủ nhận, cho rằng những hành vi đó là “một số hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến đối với cô”, “những hành động này không vượt quá các giới hạn đạo đức giữa con người với con người và nằm trong bối cảnh cụ thể”.

“Nhưng điều tôi không lường được là vô tình gây bối rối, làm phiền, và có thể gây tổn thương với cô ấy. Cho đến gần đây tôi mới được biết” – ông Nhật Anh đưa ra phát ngôn, đồng thời cho hay đã xin lỗi cá nhân vào ngày 31/3/2024.

Trọng tâm của lời xin lỗi do ông Nhật Ánh đưa ra trên Fanpage ngày 18/4 là đối với “đồng nghiệp, bạn bè, các đối tác thân thiết, các độc giả yêu sách Nhã Nam”.

Ông Nhật Anh xin lỗi họ vì “đã bị làm phiền”, một lần nữa cho rằng những gì mọi người nghe thấy, nghi ngờ là “tin đồn sai lệch trên mạng”.

Đối với những diễn biến xảy ra gần đây, ông Nhật Anh cho rằng “đây là bài học để hoàn thiện mình”.

nxb nha nam
Lời xin lỗi của Giám đốc Công ty Nhã Nam đối với thông tin quấy rối, được ông này cho là “tin đồn trên mạng”, trên trang Fanpage Nhã Nam, ngày 18/4. (Ảnh chụp màn hình/Nhã Nam/Facebook)

Theo đó, sự việc xảy ra giữa Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam – một nhà xuất bản có tiếng trong giới tri thức của Việt Nam – và một nữ nhân viên được cho là xảy ra ít nhất từ ngày 31/3 trở về trước. Thông tin về vụ việc chỉ được dấy lên vào trung tuần tháng 4, khi lần lượt một số trí thức lên tiếng.

Ngày 16/4, TS Đặng Hoàng Giang đăng thông báo ngừng hợp tác với Nhã Nam trên trang Facebook cá nhân, sau 9 năm hợp tác, xuất bản 5 đầu sách với gần 25 ngàn ấn bản. Ông Giang không nói lý do ngừng hợp tác, phủ nhận những lý do về chất lượng sản xuất, phát hành của nhà xuất bản này hay ở khía cạnh tài chính.

Thông tin duy nhất ông Giang công bố rằng việc ngừng hợp tác là “hệ quả của một tình huống mà tôi mới được biết tới gần đây”. Ông Giang cho hay đã nói rõ lý do cho quyết định của mình trong thông báo dừng hợp tác gửi tới Nhã Nam.

Dưới bài đăng của TS Đặng Hoàng Giang, tài khoản tick xanh Nhã Nam bình luận: “Nhã Nam xác nhận việc dừng hợp tác với tác giả Đặng Hoàng Giang từ ngày 15-4-2024. Trong khi có những quan điểm khác với anh Đặng Hoàng Giang về một số tình huống, chúng tôi tôn trọng quyết định này. Cảm ơn anh vì sự hợp tác và chúc anh thành công trong những dự án tiếp theo”.

Tối 17/4, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng thông báo ngưng hợp tác với Nhã Nam, đề nghị giám đốc công ty phải lên tiếng về sự việc.

Trên trang Fanpage Nhã Nam, dưới các bài đăng thông báo về sự kiện ra mắt sách, tác phẩm nghiên cứu, nhiều người để lại bình luận sẽ tẩy chay thương hiệu nếu phía công ty không hành xử chuẩn mực và lên tiếng về vấn đề xảy ra ở công ty này.

nxb nha nam 1
Một bình luận kêu gọi Công ty Nhã Nam lên tiếng về vụ việc quấy rối nữ nhân viên và dừng xóa bình luận, dưới bài đăng giới thiệu sự kiện ra mắt sách. (Ảnh chụp màn hình/Nhã Nam/Facebook)

Sau 8 tiếng đăng tải, dù đăng vào khoảng 0h30 ngày 18/4 và nhằm ngày nghỉ Giổ Tổ Hùng Vương, bài “xin lỗi” đồng nghiệp, đối tác, độc giả của Giám đốc Công ty Nhã Nam đã nhận về 4,5 nghìn lượt chia sẻ, 2,5 nghìn bình luận. Trong đó, đứng đầu là những bình luận bày tỏ sự bất bình trước lời giải thích mơ hồ của ông Nhật Anh.

Tài khoản “Đoàn Duy” thể hiện sự bất đồng một cách cương quyết dù khiêm nhường: “Dạ, cụ thể hành động “không vượt quá” đó là gì ạ. Phía nhà mình sao có thể xử lý bằng việc viết một bức thư ngắn gọn như vậy. Cuối cùng vẫn là “tin đồn sai lệch” và lệch ở đâu thì em chưa thấy giải thích”. Bình luận luận trên nhận tới 2,1 ngàn biểu tượng đồng tình là của những người dùng mạng.

Theo tài khoản “Tran MPhuong”: “Tôi vẫn thắc mắc đoạn “những hành động này không vượt quá các giới hạn đạo đức giữa người với người nằm trong bối cảnh cụ thể” – dựa vào đâu để người đọc có thể biết là “không vượt quá giới hạn đạo đức người và người“ vậy ạ? Hay là chính bản thân người viết đang dựa vào giới hạn của bản thân mình để đưa ra lời xin lỗi? Vậy còn cô ấy thì sao?”. 1,1 ngàn người dùng mạng đồng tình với ý kiến này.

Ông Nguyễn Nhật Anh dịch giả tự do, biên tập viên, tác giả, là Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam. Công ty Nhã Nam được thành lập vào tháng 2/2005, với sản phẩm đầu tiên là cuốn “Balzac và cô bé thợ may Trung hoa” (Đới Tư Kiệt).

Năm 2018, ông Nhật Anh được nhận Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật của Pháp vì có nhiều đóng góp trong việc giới thiệu tư tưởng văn hóa Pháp tại Việt Nam. Với bút danh Trác Phong, ông Nhật Anh là người chuyển ngữ nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Hoàng tử bé”, “Nhóc Nicolas: Những chuyện chưa kể”, “Ngủ ngon nhé Trăng”… Với bút danh Thụ Nho, ông Nhật Anh là tác giả của một số tác phẩm như “Một ngày của bố” (sách tranh), “Chuyện con nai” (đồng tác giả), “Kho tàng câu đố dân gian” (sưu tầm và biên soạn)…

Công ty Nhã Nam gây được tiếng vang thương hiệu từ cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (2005, NXB Hội Nhà văn Việt Nam) với kỷ lục xuất bản gần 500.000 bản. Theo lời tự giới thiệu, từ dòng sách văn học, công ty sách này phát triển sang nhiều mảng sách, như lịch sử, triết học, khoa học, sách về các vấn đề xã hội, văn hóa đương đại, sách khai trí, tham khảo, triết lý sống…

Nhà sách Nhã Nam hiện có lượng độc giả trung thành và là nơi nhiều người trí thức cộng tác.

Nguyễn Quân