Tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở sẽ được xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) với số vốn đầu tư gần 4.800 tỷ đồng.

duong-tren-cao-vinh-tuy-nga-tu-so
(Ảnh minh họa)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu UBND TP. Hà Nội sắp xếp việc lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở phù hợp với quy định hiện hành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT sẽ phối hợp với Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Ban Quản lý dự án đường sắt và các cơ quan liên quan tính toán chi tiết về việc khớp nối Dự án đường Vành đai 2 trên cao với các dự án có liên quan như: Dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi.

Đường vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài 43,6km, chạy qua các điểm như: Vĩnh Tuy – Minh Khai – Đại La – Ngã Tư Vọng – đường Trường Chinh – Ngã Tư Sở – đường Láng – Cầu Giấy – Nhật Tân – Vĩnh Ngọc – Đông Hội – cầu chui Gia Lâm – Khu công nghiệp Hanel – Vĩnh Tuy tạo thành một vành đai khép kín.

Trước đó, dự án mở rộng đường Vành đai 3, đoạn từ cầu vượt Mai Dịch đến chân cầu Thăng Long dài 5,5km, có tổng mức đầu tư trên 3.100 tỷ đồng đã được UBND TP. Hà Nội khởi công vào ngày 5/10/2016.

Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư. Trong hơn 3.100 tỷ đồng đầu tư cho dự án, chi phí cho xây dựng, thiết bị là 820 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng 1.820 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác là 100 tỷ đồng.

Tuyến đường có mặt cắt ngang được mở rộng từ 56 lên 93 m, mỗi bên có 6 làn xe (4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp), dọc theo tuyến đường sẽ có 5 cầu vượt đi bộ.

Dự kiến dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2017.

Hải Linh

Xem thêm: