Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa công bố 10 sự kiện nổi bật nhất của ngành Tài nguyên-Môi trường năm 2016, trong đó không có sự kiện Formosa và thảm họa môi trường biển miền Trung.

formosa-tham hoa moi truong bien mien trung 10-su-kien-tnmt-2016
Theo báo cáo của Chính phủ, ước tính có khoảng 100 tấn cá chết trong thảm họa ô nhiễm môi trường biển miền Trung. (Ảnh: FB Dương Phong)

Theo đó, 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài nguyên – Môi trường năm 2016 được công bố gồm:

  1. Ban hành chương trình hành động của Ban cán sự đảng, Ban chấp hành Đảng bộ Bộ TN-MT thực hiện nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII.
  2. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường và ban hành chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.
  3. Lần đầu tiên, quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
  4. Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
  5. Việt Nam tham gia diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF).
  6. Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua.
  7. Ký kết, phê duyệt thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và ban hành kế hoạch thực hiện thoả thuận.
  8. Phát hiện mới về khoáng sản đồng và quặng urani tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
  9. Hoàn thành bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào tỷ lệ 1/50.000 đính kèm nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam – Lào; hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào
  10. Thực hiện phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử thông qua sử dụng hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc gắn với chữ ký số và các ứng dụng công nghệ thông tin.

Trong khi đó, ngày 31/12/2016, cùng với các nhà báo viết về môi trường trong nước, Tin Môi Trường – Tin nhanh về môi trường Việt Nam (Diễn đàn Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) đã bình chọn 10 sự kiện Môi trường nổi bật nhất năm 2016. Đây là sự kiện bình chọn thường niên do Tin Môi Trường tổ chức. Năm 2016 là năm thứ 6 diễn ra hoạt động này. Dưới đây là danh sách 10 sự kiện Môi trường nổi bật nhất năm 2016 được bình chọn theo thứ tự thời gian:

1. Việt Nam có nhà máy tái chế lốp ô tô phế thải đầu tiên

Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 400.000 tấn cao su phế liệu (tương đương với 30.000 tấn/tháng). Do đặc thù của cao su là rất khó phân hủy, phải mất hàng chục năm thì cao su mới phân hủy được vào đất. Từ trước đến nay, hầu hết cao su ở Việt Nam đều xử lý rác thải từ lốp cao su bằng cách đốt hoặc ép ra thành dầu đốt, tuy nhiên cả hai cách này đều khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Sagama Việt Nam (được xây dựng tại tỉnh Vĩnh Phúc) là nhà máy đầu tiên của Việt Nam có mô hình tái chế rác thải từ lốp cao su thành đồ dùng thường ngày như: thảm cao su, đệm cao su, sân đá bóng cỏ nhân tạo,…

2. Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ra thảm họa môi trường biển tại miền Trung

Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam đối diện với thảm họa môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. 39.000 ngư dân tại 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bị mất việc làm, tàu thuyền nằm bờ suốt 8 tháng. Ngành khai thác thủy sản giảm 20% sản lượng, khiến GDP cả nước tăng dưới 6% sau 9 tháng.

Thảm họa môi trường biển miền Trung xảy ra từ đầu tháng 4, khởi nguồn từ khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) với hiện tượng cá biển chết hàng loạt và lan ra suốt một dải 200 km dọc theo bờ biển miền Trung.

formosa tham hoa moi truong bien mien trung-10-su-kien-tnmt-2016-2
Con cá vẩu trọng lượng 35 kg chết dạt vào bờ biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Huế vào ngày 18/4. (Ảnh: Lê Minh/vnexpress.net)

Hơn 2 tháng, cả hệ thống chính trị vào cuộc truy tìm nguyên nhân. Thủ phạm được chỉ ra là chất thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Lãnh đạo công ty đã cúi đầu xin lỗi và bồi thường thiệt hại 500 triệu USD. Chính phủ sau đó đã tiến hành nhiều biện pháp quản lý các nguồn ô nhiễm biển, hỗ trợ người dân khôi phục sinh kế.

Tuy nhiên, “Bao giờ biển miền Trung phục hồi?” vẫn là câu hỏi nhức nhối khi 154 loại hải sản trong vòng 13,5 hải lý gần 4 tỉnh miền Trung chưa an toàn. Các nhà khoa học đánh giá phải mất hàng trăm năm để khắc phục hoàn toàn ô nhiễm.

3. Việt Nam-Hoa Kỳ ra Tuyên bố chung về chống biến đổi khí hậu

Ngày 22/5, tại thủ đô Washington (sáng 23/5 theo giờ Hà Nội), Hoa Kỳ và Việt Nam ra Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chống biến đổi khí hậu, trong đó nhất trí về sự cần thiết phải ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt.

4. Vỡ bờ bao, chất thải titan nhuộm đỏ biển tại Bình Thuận

Sự cố vỡ bờ bao hồ chứa chất thải khai thác titan rộng khoảng 3.000 m2 của Công ty TNHH Tân Quang Cường (xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) vào rạng sáng ngày 16/6 khiến khu du lịch Hiếu Nam và nhà dân bị ảnh hưởng, cát đọng lại dày khoảng 0,5 m.

ho-titan-vo-nhuom-do-bien-binh-thuan
Dự án này có 11 vi phạm được phát hiện từ cuối năm 2015 nhưng đến thời điểm xảy ra sự cố vẫn chưa khắc phục. (Nguồn: plo.vn)

Lượng nước thải quá lớn đã tràn ra bãi biển Thuận Quý, khiến vùng biển này bị nhuộm đỏ. Hàng trăm mét khối nước và cát tràn ra đường, tràn vào các khu du lịch, một số nhà dân lân cận và đổ ra bãi biển Thuận Quý. Tuyến đường Phan Thiết – Hàm Thuận Nam bị gián đoạn.

Nguyên nhân được xác định là do ngày 15/6 trời mưa quá lớn, lượng mưa nhiều khiến bờ bao hồ chứa chất thải khai thác titan bị vỡ.

5. Huế được vinh danh là “Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2016”

Ngày 28/6, tại Huế, Quỹ quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã trao danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia của Việt Nam năm 2016” cho TP. Huế.

Để đạt danh hiệu này, TP. Huế đã vượt qua các tiêu chí khắt khe của chương trình để lọt vào danh sách các “Thành phố Xanh” trên thế giới, với cam kết đến năm 2020 giảm 20% mức phát thải khí nhà kính so với mức phát thải năm 2011.

Kèm theo đó là 7 kế hoạch hành động như: chú trọng xanh hóa đô thị, phát triển du lịch xanh, xử lý nước và rác thải hiệu quả, hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh, sử dụng năng lượng tái tạo và nguyên liệu xây dựng thân thiện môi trường.

>> Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức báo động: Bạn có thể làm gì?

6. Khởi công Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM

Dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét điểm yếu tố biến đổi khí hậu” (giai đoạn 1) được khởi công ngày 26/6.

Dự án do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT), thời gian thực hiện dự án là 36 tháng (từ năm 2016–2018).

sai-gon-that-thu-10-su-kien-tnmt-2016
Trung tâm TP.HCM ngập lớn trong cơn mưa chiều ngày 26/9. Hình ảnh tại Ngã tư Hai Bà Trưng – Mạc Thị Bưởi, Q1. (Ảnh: FB Ngô Nhật Hoàng)

7. Bãi rác Đa Phước là thủ phạm gây mùi hôi ở Nam Sài Gòn

Từ tháng 8, người dân ở Nam Sài Gòn liên tục phản ánh tình trạng mùi hôi xuất hiện ở khu vực này, đặc biệt vào buổi chiều tối. Đến cuối tháng 9, UBND TP.HCM công bố kết quả xác minh mùi hôi này chính là mùi rác xuất ra từ các bãi chôn lấp hở và hồ chứa nước rỉ rác tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (Bãi rác Đa Phước – do Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) thiết kế, xây dựng và vận hành).

>> TP.HCM chi gần 64.200 tỷ đồng giảm ô nhiễm môi trường

8. 87 loài mới được các nhà khoa học phát hiện tại Việt Nam

Ngày 19/12, WWF công bố báo cáo: Trong 163 loài mới được phát hiện tại Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng, có tới 87 loài được phát hiện ở Việt Nam.

Tiến sỹ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF-Việt Nam đánh giá: “Việt Nam là một trong những quốc gia có độ đa dạng sinh học cao trong khu vực và sự phát hiện của 87 loài cho thấy vẫn còn rất nhiều tiềm ẩn về giá trị đa dạng sinh học để chúng ta tiếp tục khám phá”.

9. Bộ Y tế bác bỏ nghi vấn có 10 làng ung thư

Theo kết quả điều tra của Bộ TN&MT, 10 làng có nguồn nước bị ô nhiễm nặng, nghi ngờ là nguyên nhân gây ung thư ở các địa phương gồm:  Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận.

Tuy nhiên, phản hồi về kết quả này, Bộ Y tế cho rằng, Bộ TN&MT không có chức năng, chuyên môn về y tế nhưng lại lấy mẫu nước, lấy số liệu về bệnh tật rồi đưa ra kết quả về bệnh tật. Do đó, theo Bộ Y tế, công bố này đã có sai số lớn, đặc biệt là sai số về tỉ lệ người mắc bệnh ung thư tại những địa phương trên.

Cụ thể, Bộ Y tế cho rằng tại 10 làng này, số người mắc ung thư dao động từ 73-169/100.000 dân, không cao hơn số người mắc ung thư trung bình toàn quốc là 135/100.000 đối với nữ và 181/100.000 đối với nam.

Vì vậy, ngày 27/12, Bộ Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm lại nguy cơ ung thư tại 10 làng trên. Theo đó, Bộ Y tế lập Hội đồng khoa học và mời Bộ TN&MT trình bày về kết quả điều tra để các thành viên Hội đồng đánh giá.

nguy-co-ung-thu-cao-vi-nguon-nuoc-o-nhiem-10-su-kien-tnmt-2016
Theo chị Nguyễn Thị Ý (người dân xã An Lộc – Lộc Hà – Hà Tĩnh, một trong 10 làng nằm trong danh sách trên), nguồn nước giếng gia đình chị đang sử dụng rất ô nhiễm, đây có thể là nguyên nhân khiến chồng chị bị ung thư. (Ảnh: laodong.com.vn)

10. Tháng 11 Âm lịch, miền Trung vẫn bị ngập lụt lớn

Điều không thể ngờ trong mùa lũ 2016 tại miền Trung là đến tháng 11 Âm lịch (tháng 12/2016), miền đất này vẫn bị ngập lụt lớn. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ từ ngày 12 – 16/12 đã có 15 người chết, mất tích. Lũ trên các sông lên cao ở mức báo động 2, có nơi trên báo động 3. Nguyên nhân của đợt mưa lũ được xác định là do không khí lạnh kết hợp với nhiễu động đới gió Đông.

pho-co-hoi-an-lu-lut-7-fb-ly-ly-tran
Người dân và du khách tại phố cổ Hội An di chuyển bằng thuyền. (Ảnh: FB Ly Ly Tran)
mua-lu-binh-dinh-10-su-kien-tnmt-2016
Mưa lũ khiến nhiều vùng ở Bình Định bị cô lập. (Ảnh: baobinhdinh.com.vn)

Trong đợt mưa lũ từ giữa tháng 10/2016 đến ngày 16/12, đã có 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương. Hơn 316.000 nhà bị ngập, hư hại; hơn 42.800 ha lúa, 39.000 ha hoa màu bị ngập. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng.

Kỳ Thư (T/h)

Xem thêm: