Câu chuyện về giá điện của EVN những ngày gần đây được dư luận hết sức quan tâm khi chi phí tăng cao bất thường. Sự tăng giá đó là hệ quả của một chuỗi những nghịch lý đã tồn tại từ lâu trong ngành điện Việt Nam dưới sự độc quyền của EVN.

evn doc quyen dien
Trong giai đoạn 2017-2020, Công ty mẹ – EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. (Ảnh: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)
  1. EVN độc quyền cung cấp điện

Từ năm 1995, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị điều hành toàn bộ công việc của ngành Điện.

EVN nắm độc quyền tại các phân khúc điều độ, mua buôn điện, truyền tải và phân phối/ bán lẻ điện. Chỉ duy phát điện là phân khúc duy nhất có sự góp mặt của các đơn vị bên ngoài EVN.

Trong khi đó, Khoản 2, Điều 4, Luật Điện lực Số 28/2004/QH11 đã nói rõ về chính sách phát triển điện lực, phải “Xây dựng và phát triển thị trường điện lực theo nguyên tắc công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, có sự điều tiết của Nhà nước …; thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực.”

Screen Shot 2019 05 01 at 11.27.29 AM
Sự độc quyền của EVN trong ngành điện (nguồn: FPTS)

Tuy nhiên, đã hơn 20 năm qua EVN ở thế độc quyền. EVN vừa tham gia điều hành thị trường, vừa mua bán điện. Ở một thế “vừa đá bóng vừa thổi còi,” tính minh bạch trong hoạt động của EVN không được kiểm soát chặt chẽ.

Phát triển thị trường điện cạnh tranh là xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới, là động lực cho hoạt động hiệu quả trong sản xuất kinh doanh điện và phát triển kinh tế xã hội. Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế này.

Mặc dù chính phủ hiện đã đưa ra một số lộ trình để dần đưa thị trường về thế cạnh tranh, song đến khi nào và bao giờ người dân được tự do lựa chọn nhà cung cấp vẫn còn là một câu hỏi lớn.

  1. “Bù chéo” trong chính sách giá điện

Bù chéo giá điện nghĩa là người sử dụng điện sinh hoạt và kinh doanh phải trả giá điện cao hơn giá bình quân để hỗ trợ khối sản xuất công nghiệp.

Trong khi đó, khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ đến 54% lượng điện năng của cả nước, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm 35%, điện cho kinh doanh chỉ chiếm 9% và điện cho nông-lâm-thuỷ sản chiếm khoảng 2% (Nguồn: EVN và FPTS). Nói cách khác, người dùng ít điện hơn lại phải trả giá cao hơn để hỗ trợ cho người tiêu thụ nhiều điện – trong đó có bộ phận không nhỏ các ngành tiêu thụ điện năng rất lớn như ngành thép, xi măng, hóa chất.

muc tieu thu dien 2
Mức tiêu thụ điện của các ngành

Một nghịch lý là khối công nghiệp chỉ đóng góp 34% trong tổng thu nhập GDP nhưng tiêu thụ tới 54% sản lượng điện năng của cả nước, trong khi chỉ 9% sản lượng điện trong kinh doanh làm ra đến 41% GDP, 2% sản lượng điện của nông-lâm-thuỷ sản làm ra đến 18% GDP (Nguồn: GSO Việt Nam). Điều này dẫn đến việc hiệu quả sử dụng điện của Việt Nam rất thấp.

Cường độ điện bình quân trong 10 năm nay của Việt Nam là 0,91 kWh/USD. Có nghĩa là để tạo ra một USD, nước ta phải tiêu thụ gần 1 kWh điện. Cường độ điện có sự tương quan với sự phát triển cho thấy sự khác biệt trong sự phát triển và đặc tính kinh tế giữa các Quốc gia, các khu vực. Cường độ điện trung bình trên Thế giới là 0,32 kWh/USD.

  1. Giá điện gánh cả việc lỗ tỷ giá, chi phí cho tuyên truyền tiết kiệm điện?

EVN có rất nhiều khoản chi “mơ hồ,” không rõ ràng trong cơ cấu tính giá thành bán lẻ điện.

Theo Bộ Công thương, năm 2017 EVN gánh khoản lỗ hơn 5.000 tỉ đồng chênh lệch tỷ giá. Tổng số tiền chênh lệch tỷ giá tính cộng dồn qua các năm lên tới gần 10.000 tỉ đồng.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương trong buổi họp báo ngày 20/1/2017, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá sẽ được hạch toán dần để đưa vào giá thành điện.

Ngoài ra, nguyên tắc tính giá điện chỉ bao gồm những chi phí phục vụ việc vận hành, cung ứng điện. Tuy nhiên, trong thực tế, có những khoản chi khác vẫn được đưa vào trong chi phí sản xuất kinh doanh điện như chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện tại các công ty điện lực. Năm 2017, tổng chi tuyên truyền tiết kiệm điện là gần 500 tỉ đồng, cũng được đưa vào giá điện.

>> Gần 500 tỷ đồng chi phí tuyên truyền tiết kiệm điện được đưa vào giá điện

Đó là chưa tính các khoản lỗ đầu tư trái ngành lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng đã được Thanh tra Chính phủ phát hiện trước đây được đưa vào tính giá điện.

Năm 2013, Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận EVN đầu tư trái ngành lên đến 121.000 tỉ đồng vào các ngành ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán nhưng thua lỗ đến hơn 2.000 tỉ đồng. Các đơn vị thành viên của EVN cũng đầu tư tràn lan ngoài ngành và thua lỗ nghiêm trọng.

Đáng chú ý, 6 dự án nguồn nhiệt điện của EVN (Ô Môn 1, Phú Mỹ 1&4, Nghi Sơn 1, Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1) đều có hạng mục “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” được tính vào tổng giá trị đầu tư dự án, nhưng thực tế là đất được xây dựng gồm nhà ở cho cán bộ với các loại biệt thự, nhà liền kề, chung cư cao tầng có cơ sở hạ tầng đi kèm như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… Tổng chi phí khoảng gần 600 tỉ đồng này đều được tính vào giá bán điện.

  1. Điều chỉnh tăng giá 8,36% nhưng tăng luỹ kế đến 75%

Mức tăng giá điện mới áp dụng từ ngày 20/3/2019 chỉ tăng 8,36%, nhưng hóa đơn tiền điện của nhiều hộ dân lại có mức tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với các tháng trước, cho thấy một sự tăng giá bất thường.

banggiadien onwf
Bảng giá điện sinh hoạt được áp dụng từ 20/3/2019, mức tăng giữa các bậc và mức tăng so với giá cũ

Trên thực tế, mức tăng 8,36% chỉ là tỷ lệ bình quân tăng từ 1.720,65 đồng/kwh (giá bình quân cũ) lên 1.864,44 đồng/kwh (giá bình quân mới). Trong khi thực chất, với việc phân chia ra 6 bậc để tính giá điện, giá điện tăng giữa bậc này với bậc kế tiếp lại cộng dồn thành rất cao, lên tới gần 75%.

Ngoài ra, đa số người dân sử dụng điện ở bậc 4 trở lên, nên không biết do vô tình hay cố ý mà giá tăng điện sinh hoạt từ bậc 3 lên bậc 4 tăng cao nhất, lên tới 25,92%.

Mặc dù EVN đã lên tiếng giải thích những nguyên nhân của việc hoá đơn tiền điện tăng cao bất thường, thậm chí sẵn sàng thanh tra 100% hoá đơn, song điều người dân băn khoăn không phải là sự chính xác của hoá đơn, mà là sự nhập nhèm của việc tăng luỹ kế.

  1. Tiền điện sinh hoạt của Việt Nam so với GDP thuộc hàng cao nhất thế giới

Giá điện bán lẻ bình quân ở Việt Nam hiện tương đương 8 US cents/kWh.

Đây là mức giá khá thấp so với thế giới. Tuy nhiên, nếu tính trên thu nhập bình quân đầu người thì giá tiền điện sinh hoạt ở Việt Nam trở nên rất đắt đỏ.

Screen Shot 2019 05 01 at 3.14.49 PM
Giá điện/ thu nhập bình quân của Việt Nam và một số nước (TTVN tổng hợp)

Trong bảng trên, có thể thấy trong khu vực Đông Nam Á, giá điện bán lẻ bình quân của Việt Nam tương đương và thấp hơn các nước Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Singapore. So với các nước ở Đông Bắc Á, Châu Âu và Mỹ, Canada, giá điện bán lẻ bình quân Việt Nam cũng khá thấp.

Giả sử lượng điện tiêu thụ bình quân một người/tháng là 100 kWh, so với mức thu nhập bình quân đầu người/tháng, tiền điện ở Việt Nam chiếm 3.5% thu nhập; trong khi các nước khác con số này là dưới 1%.

Bảo Minh (t/h)

Xem thêm: