Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng mỗi nhiệm kỳ Quốc hội chỉ dành được khoảng 10 tỷ USD, nên phải tới 5 -7 nhiệm kỳ, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam mới hoàn thành.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Tại buổi họp về phương án công nghệ đường sắt tốc độ cao ngày 11/9, đại diện Tư vấn TEDI-TRICC-TEDISOUTH đã đưa ra 3 loại hình tàu cao tốc trên thế giới, gồm: tàu chạy trên ray vận tốc 200-350 km/h, tàu Maglev tốc độ 400-600 km/h, tàu Hyperloop chạy trong ống đạt 900-1.200 km/h.

Phổ biến nhất hiện nay là tàu chạy trên ray với hai công nghệ là động lực phân tán và động lực tập trung.

Phía Tư vấn thông tin tàu dùng công nghệ động lực phân tán đã ứng dụng tại Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc có sức chuyên chở lớn, bình quân 3-4 chỗ/mét. Sử dụng giá chuyển hướng độc lập, chế độ tự nghiêng toa xe giúp dễ lưu thông tại các đường cong, chạy tốc độ tối đa 450 km/h.

Đối với tàu cao tốc có công nghệ động lực tập trung đã ứng dụng tại Pháp, Bỉ, Anh, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… Đoàn tàu chạy tốc độ tối đa tới 570 km/h. Tuy nhiên, sức chuyên chở không cao, trung bình 2 chỗ/mét, khó thêm hay bớt toa và hợp với bán kính đường cong lớn. Ưu điểm của công nghệ này là chi phí thấp hơn công nghệ phân tán.

Cũng theo bên Tư vấn, do những ưu việt của hệ thống động lực phân tán nên bên cạnh một số nơi như Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ đã lựa chọn; nước Đức, Pháp cũng đang có xu hướng chuyển sang công nghệ này.

Tại cuộc họp, GS Đỗ Đức Tuấn – ĐH Giao thông vận tải cho rằng có ý kiến là cần phát triển tàu điện Hyperloop để đi tắt đón đầu song cách đó rất mạo hiểm, chứa nhiều rủi ro vì chưa nhiều nước áp dụng. Ông ủng hộ công nghệ động lực phân tán dù việc bảo dưỡng tốn kém hơn nhưng nhiều nước đã sử dụng loại công nghệ này.

Có ý kiến là cần phát triển tàu điện Hyperloop để đi tắt đón đầu nhưng cách này rất mạo hiểm vì chưa nhiều nước áp dụng. Vì thế chúng ta nên sử dụng công nghệ động lực phân tán…”, ông Tuấn nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, do tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam dài 1.500 km gồm 23 ga, không thể chọn vận tốc quá cao vì chạy đoạn ngắn tàu đã phải dừng. Có khoảng 70% chiều dài đường sắt tốc độ cao sẽ nằm trên cầu cạn.

Chúng ta có thể chọn tàu có công nghệ tải trọng phân bố để giảm tải trọng trục, là giảm chi phí xây dựng cầu cạn. Một nhiệm kỳ có lẽ Quốc hội chỉ dành cho 10 tỷ USD, nên 5 -7 nhiệm kỳ, chúng ta mới có đường sắt Bắc Nam toàn tuyến” – Bộ trưởng nói.

Nhận định về tuyến đường sắt cao tốc, Bộ trưởng cho rằng bây giờ nước ta mới làm là quá trễ, trong khi các nước khu vực như Campuchia đã khánh thành đường sắt đi Thái Lan, Lào kết nối với Trung Quốc…

Bộ trưởng cũng nhận định, nếu có đường sắt tốc độ cao thì người dân sẽ không còn đi xe khách đường dài vì rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Từ Hà Nội, TP.HCM, người dân sẽ đi tàu hỏa đến các tỉnh còn đi xa hơn 1.500 km sẽ đi máy bay. Giai đoạn đầu khai thác đường sắt tốc độ 200 km/h, 10 năm sau đó thay thế toa xe và chạy tốc độ cao hơn” – Bộ trưởng nói.

Kim Long

Xem thêm: