Tuyến đường sắt này vừa đội vốn thêm 16.000 tỷ đồng; vừa “chưa đúng luật di sản văn hóa, xâm phạm không gian văn hóa”.

tuyến đường sắt số 2
Tuyến đường sắt đô thị số 2. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa có văn bản gửi UB Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo – một trong 8 tuyến thuộc dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội.

Theo UB, trong quá trình chuẩn bị dự án, Hà Nội đã nghiên cứu 2 phương án, trong đó phương án 1 có đoạn tuyến đi ngầm cắt qua khu phố cổ, dọc Hàng Giầy, Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào, qua các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Đại Cồ Việt, gắn với vị trí ga C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng lân cận, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, di tích quốc gia đền Bà Kiệu.

Phương án 2 chạy dọc theo đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền và Lê Văn Hưu, sau đó kéo dài về phía Nam theo hướng phố Huế đến Đại Cồ Việt.

Trong hai phương án trên, Hà Nội chọn phương án 1 vì tính khả thi cao, có đủ không gian bố trí các công trình phụ trợ, không phải giải phóng mặt bằng dân cư, không ảnh hưởng tới các công trình lân cận, đảm bảo khoảng cách hợp lý đến các ga kết nối khác; phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch giao thông vận tải thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2016 và các quy hoạch khu vực liên quan.

Tuy nhiên, theo UB Văn hóa, Giáo dục, các chuyên gia cho rằng lựa chọn phương án 1 sẽ vi phạm luật Di sản văn hóa, tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đối với di tích và không gian văn hóa trung tâm Hà Nội, nhưng dự án lại chưa có báo cáo đánh giá tác động.

Tuyến ngầm đi qua khu vực phố cổ, đi thẳng vào khu vực trung tâm thành phố, có một phần thân ga và toàn bộ cửa lên xuống số 3 nằm trong khu vực bảo vệ 2 của di tích hồ Hoàn Kiếm là vi phạm luật Di sản văn hóa.

Việc quy hoạch tuyến đường ngầm xuyên qua lòng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Bà Kiệu xâm phạm khu vực bảo vệ 1 của di tích.

Thêm vào đó, đường ngầm đi gần tứ trụ di tích đền Ngọc Sơn, cách chân Tháp Bút chỉ 1m, quá trình thi công và vận hành hàng ngày sẽ tạo độ rung, gây nguy cơ hủy hoại các di tích, vi phạm điều cấm của luật Di sản văn hóa, do đây là những di tích được xây dựng từ hàng trăm năm trước, kết cấu trụ móng không vững chắc (Tháp Bút hiện bị nghiêng 3 độ), trong khi các phương án giảm thiểu tác động do nhà tư vấn đưa ra chỉ mang tính lý thuyết.

Các nhà khoa học cũng cho rằng vị trí thân ga và cửa lên xuống không hợp lý, có nguy cơ tác động không tốt về mặt xã hội với khu vực. Kích thước, quy mô thân ga quá lớn so với diện tích mặt bằng khu vực; vị trí thân ga, cửa lên xuống được bố trí quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm không hợp lý, do khu vực này vốn đã có mật độ giao thông lớn, với lưu lượng tăng thêm khoảng 6.700 người/ngày do ga ngầm tạo ra tiềm ẩn nguy cơ gây tắc nghẽn giao thông và phát sinh các vấn đề an ninh, xã hội khác…

Ngoài ra, quá trình thi công dự kiến kéo dài hàng năm, chưa tính đến phát sinh chậm tiến độ, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông và đời sống người dân khu vực trung tâm.

Hơn nữa, Việt Nam chưa có kinh nghiệm và chuyên gia về xử lý sự cố đường sắt đô thị, hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, thiếu chủ động trong việc xử lý tình huống xảy ra sự cố.

UB Văn hóa, Giáo dục cho rằng chọn hướng tuyến đường sắt theo phương án 1 cho thấy TP. Hà Nội “chưa tuân thủ pháp luật di sản văn hóa, xâm phạm không gian văn hóa”.

UB này đề nghị Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ, thuyết minh kỹ hơn tác động của dự án đối với di sản, cảnh quan, môi trường, xã hội và các phương án thi công, phòng ngừa sụt lún, thay đổi cấu trúc địa lý, thủy hệ; đồng thời tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan hữu quan, chỉnh lý hoàn thiện dự án, báo cáo Bộ VH-TT&DL trình Thủ tướng cho ý kiến trước khi triển khai thực hiện.

Hoàng Minh

Xem thêm: