Do virus corona đang bùng phát mạnh, 100 chuyên gia, nhân sự Trung Quốc làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa thể sang Việt Nam nên dự án phải lùi ngày vận hành.

cát linh hà đông
Dự án dường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông liên tục chậm tiến độ. (Ảnh: Sơn Trà)

Ngày 10/2, lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết theo kế hoạch từ 1/2, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày để đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu dự án.

Tuy nhiên đến nay, do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp do chủng mới virus Corona (nCoV) nên các chuyên gia Trung Quốc của dự án chưa trở lại làm việc, khiến kế hoạch vận hành thử chưa thể tiến hành như dự kiến.

Trước Tết Nguyên đán 2020, hơn 100 chuyên gia, nhân sự Trung Quốc làm việc tại dự án về Trung Quốc nghỉ Tết. Theo kế hoạch, khi các chuyên gia trở lại dự án làm việc vào 1/2 sẽ bắt đầu vận hành thử hệ thống 20 ngày. Tuy vậy, do ảnh hưởng của dịch nCoV, tổng thầu và tư vấn giám sát đề nghị lùi thời hạn đưa nhân sự trở lại dự án sau ngày 8/2 nhưng đến nay chưa có thời hạn cụ thể. Khi các chuyên gia trở lại làm việc, dự án sẽ bắt đầu vận hành toàn bộ hệ thống” – lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.

Cũng theo Ban Quản lý dự án đường sắt, trong thời gian này, đơn vị quản lý dự án thực hiện công việc soát xét hồ sơ hoàn công, kiểm tra thực địa để nghiệm thu từng phần dự án; tiếp tục thẩm tra đề cương chi tiết vận hành thử hệ thống.

Đến nay, các lái tàu, nhân viên tham gia vận hành thử dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đã được cấp bằng lái, chứng chỉ nghiệp vụ trong 20 ngày.

Dự án tuyến Cát Linh – Hà Đông hiện có chiều dài 13km, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD) từ nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Tổng thầu EPC do phía Trung Quốc chỉ định (Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc).

Dự án sau đó được điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD). Qua nhiều lần hứa hẹn (mốc hẹn từ tháng 9/2016, rồi đến tháng 10/2017, tháng 12/2017, rồi dời sang 9/2018, rồi đến tháng 6/2019), đến nay (năm 2020), dự án vẫn chưa đủ an toàn để khai thác thương mại, khiến nhiều người bức xúc.

KTNN cũng đã chỉ rõ nhiều sai phạm liên quan tới dự án như Tổng thầu thiếu kinh nghiệm, thiết kế cơ sở sơ sài,… Đặc biệt, dự án còn chi sai tới gần 3.000 tỷ đồng. Số tiền chi sai chủ yếu do chủ đầu tư tính sai khối lượng, sai đơn giá, nhiều hạng mục xây lắp, mua sắm vật tư, thiết bị chưa phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam.

Kim Long