Trong thời gian thí điểm vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, giá vé tháng là 200.000 đồng/người; giá vé ngày là 30.000 đồng/người, giá vé lượt từ 8.000-15.000 đồng/người.

duong sat cat linh ha dong 2
Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. (Ảnh: Minh Trí)

UBND TP. Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo về phương án giá vé có trợ giá trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Theo đó, giá vé chỉ áp dụng trong thời gian thí điểm vận hành thương mại tuyến. Sau khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí quản lý, vận hành về đường sắt đô thị, liên ngành sẽ trình thành phố xem xét ban hành giá vé chính thức cho tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Theo dự thảo, giá vé trên tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ có 3 mức giá áp dụng theo tháng, ngày và lượt. Cụ thể, giá vé tháng là 200.000 đồng/người; giá vé ngày là 30.000 đồng/người và không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến.

Còn giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng đường ngắn nhất. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ. Việc thanh toán bằng thẻ được khuyến khích với mức giá rẻ hơn thanh toán bằng tiền mặt khoảng 500 đồng mỗi lượt.

UBND TP. Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố hướng dẫn Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội thực hiện mức giá vé theo đúng đối tượng.

Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính, Sở LĐTB&XH xây dựng quy trình mua vé tháng cho đối tượng ưu tiên theo các quy định hiện hành. Giá vé trên cũng đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể hành khách đi trên tuyến và các khoản chi phí trung gian thanh toán nếu có.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,5 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến gồm 12 ga và 1 khu Depot. Chủ đầu tư là Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường sắt, Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm nhà thầu.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 8.770 tỷ đồng (552,86 triệu USD), sau đó tăng lên 18.002 tỷ đồng (868 triệu USD), trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng là 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD).

Dự án khởi công từ tháng 10/2011. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống vào tháng 10/2017, đưa vào khai thác thương mại vào cuối quý 1, đầu quý 2/2018.

Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ do nguồn vốn vay bổ sung được rót chậm. Từ tháng 9/2018, 13 đoàn tàu đã chạy thử, tốc độ trung bình 35km/giờ. Bộ GTVT yêu cầu dự án vận hành thương mại vào trước Tết Nguyên đán 2019 song cũng không thực hiện được.

Giữa tháng 2/2019, Bộ cho biết Tổng thầu Trung Quốc đề xuất kết thúc chạy thử dự án vào cuối quý I/2019 và đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến từ tháng 4/2019

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông khi vận hành chính thức sẽ hoạt động từ 5h sáng đến 23h đêm hàng ngày; 5 – 6 phút có một chuyến, ngoài giờ cao điểm thì 10 phút một chuyến; khi tiếp cận ga, đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống.

Kim Long

Xem thêm: