Ngân sách nhà nước dự kiến sẽ hỗ trợ 193.155,6 tỷ đồng để thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn từ 2016-2020.

Các hộ dân tại xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang bị 'ép' xây dựng trụ cổng bê tông trước cửa nhà để xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hình ảnh vào tháng 6/2016. (Nguồn: VTC16)
Kể từ cuối năm 2015, sự việc người dân sống trong nhà lá nhưng bị xã ép làm cổng bêtông để được công nhận xã nông thôn mới được phản ánh rộng rãi. Trong hình, một hộ dân tại xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chỉ đủ tiền làm hai trụ bê tông (không có phần mái trên) trước ngôi nhà lá và nhà liếp lợp tôn. (Ảnh: Sưu tầm)

Theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg do Thủ tướng ký, tổng mức vốn trên là mức tối thiểu, trong đó ngân sách trung ương: 63.155,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương: 130.000 tỷ đồng.

Văn bản cho hay, trong quá trình điều hành, ngân sách trung ương sẽ tiếp tục được cân đối đồng thời huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đ thực hiện chương trình.

Trước đó, cuối tháng 6 vừa qua, theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại cuộc sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015), tính đến tháng 5/2016, cả nước có 1.965 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 22%), tăng 4,9% so với cuối năm 2015 và 23 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhân đạt chuẩn nông thôn mới.

Tổng nguồn lực đã đầu tư xây dựng nông thôn mới là trên 263.000 tỷ đồng, trong đó 7.374 tỷ đồng từ ngân sách trung ương.

Tuy nhiên, theo Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có tình trạng nợ đọng lớn, chạy theo thành tích để đạt chuẩn. Tính đến hết tháng 1/2016, hiện có đến 52/62 tỉnh thành đang nợ đọng tiền xây dựng cơ bản các công trình xây dựng nông thôn mới, với tổng số nợ lên đến 15.212 tỷ đồng.

Lê Trai

Xem thêm: