Theo phê duyệt điều chỉnh dự án, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ được mở rộng quy mô trong khi giảm vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.

Cầu Mỹ Thuận (Tiền Giang). (Ảnh: Khánh Minh/TTVN)
Cầu Mỹ Thuận (Tiền Giang). (Ảnh: Khánh Minh/TTVN)

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (Tiền Giang) giai đoạn 1 theo hình thức BOT.

Theo phê duyệt, tổng mức đầu tư cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ được điều chỉnh còn 9.668,5 tỷ đồng (giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với quyết định phê duyệt năm 2014 là 14.678 tỷ đồng).

Tuy dự án có vốn đầu tư giảm nhưng quy mô xây dựng lại được nâng lên. Cụ thể, theo điều chỉnh quy hoạch mới, tuyến đường có chiều rộng từ 13,75m gồm 2 làn xe lưu thông, không có dải phân cách cứng ở giữa sẽ được mở rộng lên thành 17m, gồm 4 làn xe lưu thông và có dải phân cách; các cầu trên tuyến cao tốc cũng được mở rộng từ 13,75m lên 17,5m, với 4 làn xe lưu thông.

Cũng theo điều chỉnh quy hoạch, thời gian thu phí được rút ngắn gồm thời gian thu phí đoạn đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương từ 11 năm theo hợp đồng cũ rút xuống còn 8 năm 2 tháng; và thời gian thu phí cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận giảm từ 19 năm 9 tháng xuống còn 8 năm 3 tháng.

Theo Bộ GTVT, lý do giảm đến hơn 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư dự án là do giảm chi phí giải tỏa mặt bằng, giá vật tư sắt thép và giá nhiên liệu xăng dầu giảm so với lúc thiết kế lập dự án được Bộ GTVT phê duyệt vào tháng 10/2014 và nhờ ứng dụng công nghệ mới trong thiết kế thi công. 

Theo ông Phan Anh Dũng – Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, dự kiến tuyến cao tốc sẽ được triển khai trong quý 2/2017.

Trước đó, tại buổi làm việc ngày 21/6, ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết hiện dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tạm dừng triển khai khiến người dân rất bức xúc.

Lý giải việc chậm trễ này, ông Dũng cho hay nguyên nhân chậm là do việc thiết kế đường cao tốc có một số thay đổi nên cần thời gian để điều chỉnh, dự kiến trong vòng 1 tháng tới dự án sẽ triển khai đại trà.

Tại buổi làm việc, ông Dũng cũng cho biết, hiện dự án đang gặp khó khăn về nguồn cát. Ước tính dự án cần khoảng 6 triệu mét khối cát nhưng hiện hầu hết các mỏ của các địa phương đã đóng cửa.

Trong khi đó, theo nhiều đơn vị thi công khác tại khu vực ĐBSCL, trong thời gian qua, giá cát tại đây đã tăng gấp 3 lần, thậm chí lên hơn 200.000 đồng/m3. Với các công trình có quy mô lớn, giá cát tăng không chỉ làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình mà còn làm đội giá dự án.

Tại kỳ họp 3, Quốc hội khóa 14 vừa qua, việc thi công dự án cao tốc TP.HCM – Cần Thơ (gồm 3 đoạn: TP.HCM – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ) với nhiều thăng trầm trong 7 năm qua được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn. Trong 3 đoạn cao tốc, dự án mới làm xong đoạn TP.HCM – Trung Lương dài 61,9 km (bao gồm hai hệ thống đường: tuyến cao tốc dài 39,8 km và các tuyến đường nối 22,1 km).

Tại phiên chất vấn vào chiều ngày 15/6, đại biểu Nguyễn Văn Thể (đoàn Sóc Trăng) cho biết đoạn Trung Lương tới Cần Thơ có thể nói là trục đường quan trọng nhất của cả miền Nam và lưu lượng xe hiện nay cao nhất cả nước, mỗi ngày có 50.000 xe đi trên tuyến đường này, ùn tắc giao thông xảy ra liên tục và đi từ TP. Cần Thơ lên TP.HCM có 150km nhưng đi tới 3,5 giờ, vận tốc khoảng 40 km/h. Đây là con đường hết sức quá tải. ĐBSCL có 13 tỉnh, gần 18 triệu dân và TP.HCM trên 10 triệu dân. Có nghĩa là 23 triệu dân mà mới chỉ có 40km đường ô tô cao tốc, do đó việc quả tải hiện nay rất nghiêm trọng.

Đăng Nguyên

Xem thêm: