Đây là khẳng định của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) tại hội nghị “Triển khai ứng dụng theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp giai đoạn II (FORMIS II)” cho 20 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung bộ vào ngày 18/8.

pha rung
Hình ảnh phá rừng được đăng kèm video trên trang facebook Vũ Đình Lộc vào ngày 30/3/2015. (Ảnh: FB Vũ Đình Lộc)

Tại hội nghị, các cơ quan cho biết nhiều số liệu về rừng và đất lâm nghiệp không có nhiều giá trị do phổ biến tình trạng cập nhật chậm, thiếu chính xác. Nguyên nhân được cho là do địa bàn, đối tượng kiểm kê, theo dõi quá lớn; dữ liệu thu thập không thống nhất trên các phần mềm khác nhau…

Theo đó, Tổng cục Lâm nghiệp cho triển khai Dự án Phát triển hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam giai đoạn II (FORMIS II).

Đây là dự án phát triển hệ thống Thông tin Quản lý ngành lâm nghiệp (FORMIS). Dự án do Chính phủ Phần Lan tài trợ, triển khai trong 5 năm (từ 2013 đến 2018).

Lực lượng kiểm lâm, cán bộ phụ trách lâm nghiệp các cấp chịu trách nhiệm cập nhật các dữ liệu vào hệ thống thông qua các thông tin diễn biến rừng tại địa bàn.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, với việc áp dụng hệ thống FORMIS II, các tỉnh, thành phố có thể theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong năm. Hiện có 40/60 tỉnh, thành phố với 334.000 lô rừng, tổng diện tích 472 triệu ha đã được cập nhật vào hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, thay thế cho việc quản lý, lưu trữ theo hồ sơ giấy như trước.

Ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết sau buổi hội thảo, 20 tỉnh, thành phố còn lại sẽ tiếp tục áp dụng hệ thống FORMIS II. “Dự kiến đến cuối năm 2017, việc kiểm soát từng cánh rừng có thể sẽ được thực hiện trên toàn quốc” , ông Ngãi khẳng định.

Bộ NN&PTNT dự kiến đầu năm 2018 sẽ chính thức ban hành quy định sử dụng phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp thống nhất trên cả nước.

Theo số liệu hiện trạng rừng do Bộ NN&PTNT công bố hàng năm, năm 2011, cả nước có hơn 13,5 triệu ha rừng, trong đó, hơn 2,011 triệu ha là rừng đặc dụng.

5 năm sau, năm 2015, tổng diện tích rừng tăng lên hơn 14 triệu ha, rừng đặc dụng tăng 94.790 ha lên hơn 2,106 triệu ha.

Mặc dù vậy, theo Tổng cục lâm nghiệp Việt Nam, trong 30 năm từ 1945 – 1975, cả nước đã mất khoảng 3 triệu ha rừng; trong 15 năm tiếp theo, từ 1975 – 1990, mất tiếp 2,8 triệu ha.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Điều tra và Quy hoạch rừng, năm 1945, tổng diện tích rừng cả nước là 14,3 triệu ha. 50 năm sau, đến năm 1995, rừng tự nhiên chỉ còn 8,25 triệu ha do bị lấn chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng và khai thác quá mức.

Tháng 12/2013, Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên trong năm 2014; đến năm 2016 tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác.

Nguyễn Quân

Xem thêm: