Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội và sĩ quan công an.

le_thi_nga
Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị đại biểu chuyên trách góp ý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Tại hội nghị, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như dự thảo luật. Ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai là sĩ quan quân đội nhân dân và sĩ quan công an nhân dân.

Một số ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Bà Nga cho hay để khắc phục hạn chế trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua, dự thảo luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp.

Cụ thể, người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.

Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung để đối chiếu khi được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc có tố cáo, biến động tăng về tài sản từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm…

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi vẫn giữ quy định mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản gồm: cán bộ, công chức; người giữ chức vụ phó trưởng phòng và tương đương trở lên tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Dự luật được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan quân đội và sĩ quan công an” – bà Nga cho biết.

Cũng tại hội nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được rõ nguồn gốc, gồm:

Phương án thứ nhất: Do tòa án xem xét, quyết định.

Về phương án này, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm không có giải trình hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý.

Tòa án có thể bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Tòa cũng có quyền thu hồi tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục tòa án.

Phương án thứ hai: Cơ quan kiểm soát có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.

Theo bà Nga, việc thu thuế không loại trừ việc xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai.

Liên quan dự thảo luật này, Quốc hội khóa XIV đã cho ý kiến tại hai kỳ họp thứ 4, 5, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp tới vào tháng 10.

Hoàng Minh

Xem thêm: