Đó là ý kiến của Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề xuất lập Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề xuất lập Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương. (Ảnh: baochinhphu)

Ngày 9/9, phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Tại phiên họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết Quỹ phòng chống thiên tai được quy định tại Điều 10 Luật hiện hành, thành lập ở cấp tỉnh, chưa có ở Trung ương nên có một số vướng mắc trong hoạt động tạo nguồn lực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để hỗ trợ các địa phương, nhất là trong các tình huống thiên tai nghiêm trọng xảy ra, đồng thời tiếp nhận nguồn hỗ trợ, cứu trợ tự nguyện của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho công tác ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai được kịp thời.

Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đề nghị bổ sung Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế (không bao gồm nguồn vốn viện trợ), đóng góp tự nguyện ngoài ngân sách nhà nước. Quỹ này sẽ được sử dụng khi có tình huống thiên tai khẩn cấp hoặc cần hỗ trợ ngay cho các địa phương chịu ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng, theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng.

Theo ông Cường, hiện cả nước có 61/63 tỉnh thành lập Quỹ phòng chống thiên tai, thu được 2.500 tỷ đồng nhưng mới chi 1.000 tỷ đồng. Vì vậy, cần có Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để làm công tác điều phối.

Cũng theo Bộ trưởng Cường, một lý do khác đề xuất lập Quỹ phòng chống thiên tại ở Trung ương là bởi trước tình hình quốc tế ủng hộ khi Việt Nam gặp thiên tai.

Ông Cường lấy dẫn chứng năm 2016, chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã ủng hộ Việt Nam 16,2 triệu USD nhưng chưa có quỹ, chưa có một chế tài nào nên phải đưa theo kiểu tiếp nhận ODA, tới 2 năm sau mới có thể giải ngân. Năm 2017 khi xuất hiện cơn bão số 10, Việt Nam đã nhận từ quốc tế được 5,2 triệu USD, 520 tấn hàng nhưng cũng không có quỹ nào tiếp nhận,…

Đề xuất lập Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương được Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường ủng hộ. Tuy nhiên, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ nguồn thu của quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật ngân sách nhà nước; việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ phòng chống thiên tai địa phương.

Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng quỹ tài chính ngoài ngân sách, cũng phải làm rõ lý do, quỹ này đã được thành lập đã là 61/63 tỉnh thành nhưng có 8 trên địa phương chưa sử dụng. Có địa phương thu một số địa phương không thu, có một số địa phương chưa chi chúng tôi cần phải làm rõ tại sao chưa chi.

Chúng ta phải cân nhắc kỹ, vì có tỉnh không chi thì có cần thành lập quỹ ở trung ương không?“- bà Nga băn khoăn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng việc thành lập Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương là cần thiết, nhưng cần nghiên cứu phải phù hợp, cơ chế điều hoà sử dụng các thành phố lớn dân đông thu nhập cao, thu được nhiều cần phải điều hoà về quỹ trung ương để phân bổ lại như thế nào cho phù hợp với các luật hiện hành.

Còn Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại cho rằng việc thành lập thêm Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương là rườm rà, không cần thiết. Ông cho hay việc quan trọng là làm tốt khâu tiếp nhận, phân bổ các khoản viện trợ vì hiện chưa có bộ phận chuyên nghiệp xem người dân cần cái gì để điều hòa, phân bổ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2019.

Hoàng Minh

Xem thêm: