Đề án tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn Hà Nội – TP.HCM có tổng mức đầu tư là 229.829 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động.

cao-toc-bac-nam
Nếu được phê duyệt, dự án sẽ được khởi công các đoạn tuyến chậm nhất vào tháng 5/2019 và thời gian hoàn thành chậm nhất là cuối năm 2022. (Ảnh minh họa)

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đến năm 2020.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trục Bắc – Nam kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 57% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 65% các cảng biển loại 1-2 và 67% các khu kinh tế của cả nước…

Tuyến đường có chiều dài 1.372km từ Hà Nội – TP.HCM, được thiết kế tốc độ 100 – 120 km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn có tốc độ thiết kế 60 – 80 km/h.

Theo đề xuất, kinh phí đầu tư cho tuyến đường khoảng 229.829 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.543 tỷ đồng (chiếm 40,7%).

Để tổ chức thực hiện được đề án, Bộ GTVT cũng đề xuất hàng loạt các cơ chế đặc thù về bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh rủi ro tỷ giá, bảo lãnh của Chính phủ đối với khoản vay để kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài và ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia; nếu huy động nguồn vốn vay trong nước thì cần tăng giới hạn tổng mức dư nợ cấp tín dụng…

Tuy nhiên, đánh giá về đề án, trong công văn số 13566 gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính nhận định số vốn 230.000 tỷ đồng đề xuất là rất lớn so với kế hoạch đầu tư công trung hạn đang được xây dựng và phương án huy động mà Bộ GTVT đưa ra là không phù hợp.

Cụ thể, công văn số 7089/VPCP-KTTH ngày 25/8/2016 nêu: “Trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh của Chính phủ. Từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công”.

Theo Bộ Tài chính, khung dự kiến tài chính – ngân sách đã được xây dựng với các yếu tố rất sát mức trần (như tỷ lệ nợ công, khả năng thu, cân đối chi, mức bội chi… ) nên việc huy động thêm các nguồn lực (huy động nguồn vốn trái phiếu chính phủ, ODA, vay ưu đãi) là không khả thi.

Theo kế hoạch phát hành Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ, tổng khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành là 260.000 tỷ đồng (bao gồm 60.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2014 – 2016). Trong trường hợp đề án của Bộ GTVT sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để hỗ trợ đầu tư thì khoản hỗ trợ này phải nằm trong hạn mức dự kiến 260.000 tỷ đồng đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT cân đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, trong trường hợp không cân đối được nguồn vốn Ngân sách Nhà nước như dự kiến thì cần nghiên cứu lùi thời điểm thực hiện đề án này.

Bộ Tài chính còn chỉ ra các vấn đề liên quan tới việc huy động nguồn vốn vay khi mà khả năng tiếp tục cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước đối với các nhà đầu tư BOT ngành giao thông không còn nhiều. Bên cạnh đó, đề xuất gia tăng hạn mức tín dụng cũng như hình thành gói tín dụng riêng cho dự án này của Bộ GTVT cũng được đánh giá là “không phù hợp”.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn chỉ ra những bất cập, không hợp lý trong đề án như: cơ chế đặc thù trong đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; các chính sách về giá sử dụng cao tốc, chính sách giải phóng mặt bằng…

Sau khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, nếu được phê duyệt, dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Hà Nội – TP.HCM sẽ được khởi công các đoạn tuyến chậm nhất vào tháng  5/2019 và thời gian hoàn thành chậm nhất là cuối năm 2022.

Việc thực hiện toàn tuyến được chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm.

Cụ thể, đoạn Cao Bồ – Mai Sơn (16km), Mai Sơn – Quốc lộ 45 (63km), Quốc lộ 45 – Nghi Sơn (43 km), Nghi Sơn – Diễn Châu (50km), Diễn Châu – Bãi Vọt (50km), Bãi Vọt – Hàm Nghi (34km), Hàm Nghi – Vũng Áng (54km), Vũng Áng – Bùng (60km), Bùng – Vạn Ninh (55km), Vạn Ninh – Cam Lộ (71km), Cam Lộ – La Sơn (102km), La Sơn – Túy Loan (66km);

Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (92km), Hoài Nhơn – Quy Nhơn (78km), Quy Nhơn – Tuy Hòa (100km), Tuy Hòa – Nha Trang (115km), Nha Trang – TP. Phan Rang và Tháp Chàm (80km), TP. Phan Rang và Tháp Chàm – Bắc Bình (70km), Bắc Bình – Phan Thiết (76km), Phan Thiết – Dầu Giây (98km).

Hải Linh

Xem thêm: