Ban An toàn giao thông TP. Đà Nẵng đề nghị Sở Thông tin Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nhà mạng trên địa bàn chặn mọi kênh truy cập vào phần mềm ứng dụng GrabCar, Uber vì lý do đây là hình thức hoạt động chưa được cấp phép, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự vận tải của TP.

Grab Uber
Hiện Đà Nẵng vẫn từ chối việc thí điểm mô hình Grabcar trên địa bàn thành phố. (Ảnh: techinasia.com)

Phó Trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông TP. Đà Nẵng (UBND TP Đà Nẵng) – ông Lê Văn Trung đã ký công văn số 57/CV-BATGT về việc ngăn chặn hoạt động của GrabCar, Uber trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Nội dung công văn ghi rõ: “Ngày 25/11/2016, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản chính thức số 9670/UBND-SGTVT gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc đề nghị tạm thời chưa triển khai dịch vụ GrabCar trên địa bàn thành phổ Đà Nẵng. Tuy nhiên, hình thức vận tải hành khách bằng xe ô tô dùng ứng dụng phần mềm GrabCar, Uber trên điện thoại di động vẫn diễn ra lén lút trên địa bàn thành phố. Đây là hình thức hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chưa được cơ quan cấp có thẩm quyền cho phép, ảnh hưởng đến tình hình trật tự vận tải của TP Đà Nẵng“.

Vì vậy, trong công văn trên, Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng đề nghị Sở TT&TT chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ Internet và các nhà mạng 3G trên địa bàn thành phố thực hiện việc ngăn chặn mọi kênh truy cập vào phần mềm ứng dụng GrabCar, Uber.

Đồng thời đề nghị CA TP Đà Nẵng điều tra về hình thức hoạt động trái phép của GrabCar và Uber trên địa bàn thành phố; ngăn chặn việc truy cập vào phần mềm GrabCar và Uber; cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Giao thông  Vận tải để kiểm tra, xử lý đối với tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải trái phép.

Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng – ông Nguyễn Quang Thanh cho biết Sở TT&TT Đà Nẵng đã nhận được văn bản đề nghị của Ban An toàn giao thông TP Đà Nẵng và sẽ có công văn trả lời.

Đại diện các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ 3G trên địa bàn cũng xác nhận đến thời điểm này, họ chưa nhận được chỉ đạo của Sở TT&TT về việc chặn truy cập ứng dụng GrabCar, Uber.

Hồi tháng 11/2016, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị thành phố Đà Nẵng cùng với Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và Khánh Hòa cho triển khai thí điểm đề án ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của GrabCar. Tuy nhiên đến tháng 2/2017, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn có văn bản trả lời Bộ GTVT về việc chưa cho thí điểm triển khai ứng dụng GrabCar.

Lý do Đà Nẵng từ chối là bởi cho rằng hoạt động kinh doanh vận tải ứng dụng GrabCar với kinh doanh vận tải bằng taxi có nhiều điểm tương đồng (sử dụng ôtô dưới 9 chỗ ngồi, cùng phạm vi hoạt động, cùng hình thức gọi xe, giá cước/giá hợp đồng tính theo km lăn bánh…).

Do đó, theo lãnh đạo Đà Nẵng, việc thí điểm GrabCar lúc này sẽ làm gia tăng số lượng ôtô dưới 9 chỗ ngồi, làm vỡ quy hoạch phát triển mạng lưới taxi đã được UBND TP phê duyệt, gây nên kẹt, ùn tắc giao thông…

Đề án thí điểm dịch vụ Grab Taxi tại 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh) được Bộ GTVT đồng ý thực hiện trong 2 năm, từ tháng 1/2016 đến tháng 1/2018. Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết Uber và Grab có tác động tích cực đến hoạt động vận tải, giúp tiết kiệm số xe chạy rỗng, giảm ùn tắc giao thông.

Trong khoảng hơn 2 năm gần đây, sư phát triển của Uber, Grab đang ngày càng thu hẹp thị phần của xe taxi truyền thống. Tháng 2 vừa qua, các doanh nghiệp taxi truyền thống đang kiến nghị thu thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp kinh doanh taxi, Grab và Uber giống nhau, ở mức 5%.

Nguyễn Quân

Xem thêm: