Tốc độ tối đa 90km/h trên đường vành đai 3 trên cao đang được đề xuất hạ xuống 80 km/h vì một số vị trí mặt đường bị lún.

duong vanh dai 3 tren cao
Đường vành đai 3 trên cao đang được đề nghị giảm tốc độ tối đa từ 90 xuống 80 km/h vì một số vị trí mặt đường bị lún. (Ảnh: TTVN)

Tổng cục Đường bộ vừa đề nghị Sở GTVT Hà Nội điều chỉnh biển báo tốc độ tối đa cho phép trên đường vành đai 3 trên cao từ 90 km/h như hiện tại xuống 80 km/h, đồng thời dỡ bỏ biển báo tốc độ tối thiểu cho phép 60 km/h.

Đơn vị này cho biết qua kiểm tra hiện trường đường vành đai 3, nhận thấy lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến đường này ngày càng lớn, một số vị trí mặt đường đã bị hằn lún, hư hỏng. Ngoài ra, trên cầu Thanh Trì, một số khe co giãn đã bị hư hỏng.

Vì vậy, Tổng cục Đường bộ cho rằng việc hạ tốc độ là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông, phù hợp với điều kiện khai thác.

Đồng thời với việc điều chỉnh tốc độ tối đa, trong khi chưa khắc phục được những hư hỏng trên đường vành đai 3, Tổng cục Đường bộ đề nghị Sở GTVT Hà Nội ưu tiên sơn sửa vạch sơn, sửa chữa mặt đường và khe co giãn bị hư hỏng.

Trước đó, tháng 2/2016, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị Sở GTVT Hà Nội nâng tốc độ tối đa trên đường vành đai 3 từ 80 km/h lên 90 km/h kể từ ngày 1/3/2016 với lý do là tuyến đường này không có giao cắt đồng mức, là đường riêng biệt.
Đường vành đai 3 (Hà Nội) dài khoảng 65 km, đi qua các quận và huyện Đông Anh,Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, đi qua 3 cây cầu lớn là cầu Thăng Long, cầu Thanh Trì và cầu Phù Đổng. Đây là một trong các tuyến giao thông đường bộ quan trọng của Hà Nội.
Năm 2009, giai đoạn 1 – đoạn Mai Dịch đến Linh Đàm – Pháp Vân được hoàn thành và đưa vào khai thác. Tổng chiều dài toàn tuyến là 10,2 km, tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng.
Năm 2010, dự kiến thực hiện giai đoạn 2 – đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, nhưng do thiếu vốn nên đến 2016 mới triển khai. Dự án gồm đường vành 3 mở rộng, dài 5,5 km, có tổng mức đầu tư hơn 3.100 tỷ đồng; và đường cao tốc trên cao dài 5,3 km, tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư là gần 8.500 tỷ đồng, trung bình 1.500 tỷ đồng/km.
Cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long có chiều dài 5,4km, dự kiến khởi công vào 2015, sau lùi sang cuối năm 2016, tổng mức đầu tư dự kiến là 5.343 tỷ đồng.
Nguyễn Quân
Xem thêm: