Trước tình trạng người Trung Quốc thâu tóm đất ven biển, vi phạm chủ quyền quốc gia như “vẽ” đường lưỡi bò,… đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị sớm xây dựng luật An ninh kinh tế.

le thanh van
ĐQBH Lê Thanh Vân. (Ảnh: quochoi.vn)

Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh cho năm 2020.

ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đề xuất sang năm, Chính phủ cần bắt đầu nghiên cứu ban hành Luật An ninh về kinh tế.

ĐB Vân nêu lý do cần đưa ra Luật này là để xóa bỏ 7 nguy cơ đe dọa đến an ninh kinh tế của đất nước. Cụ thể:

Nguy cơ thứ nhất là về chủ quyền quốc gia bị xâm phạm do các hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế đối ngoại.

Chúng ta có thể thấy đường lưỡi bò phi pháp xuất hiện ở các doanh nghiệp do người Trung Quốc nắm giữ về du lịch hay các hoạt động kinh doanh khác. Bản đồ đường lưỡi bò phi pháp thể hiện qua nhiều công cụ tác động đến chủ quyền quốc gia. Hay các dự án bất động sản ven biển… Đó là những vấn đề đe dọa đến chủ quyền quốc gia thông qua hoạt động kinh tế, đặc biệt là hợp tác kinh tế quốc tế” – ông Vân nói.

Nguy cơ thứ hai đó là những bất ổn về kinh tế vĩ mô thông qua các chỉ số về tăng trưởng, đầu tư công, an toàn chính sách tài khóa.

Nguy cơ thứ ba là về tham nhũng thông qua dự án hợp tác quốc tế mà thấy rõ qua việc hợp tác đó để lẩn trốn âm mưu cá nhân, lợi ích nhóm để thao túng kinh tế.

Thứ tư là nguy cơ tham nhũng chính sách đầu tư thông qua quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất đai, các khiếu kiện từ chính sách đầu tư thông qua quy hoạch sử dụng đất.

Thứ năm là vấn đề an ninh về môi trường thông qua các dự án đầu tư hợp tác với nước ngoài. Đặc biệt là các khu công nghiệp xả thải ra môi trường vô tội vạ, đe dọa đến môi trường sống, tính mạng của người dân.

Thứ sáu là an ninh về văn hóa xét từ về góc độ hợp tác đầu tư với nước ngoài.

Nguy cơ cuối cùng, theo ông Vân, đó là tác động từ toàn cầu hóa sau nhìn nhận đại dịch COVID-19.

Thế giới đang được vẽ lại bản đồ về chính trị, kinh tế và các lỗ hổng về toàn cầu hóa. Đại dịch vừa qua đã buộc các quốc gia phải thắt chặt lại an ninh kinh tế theo cách riêng của mình. Đó là bảo đảm nội lực để ngăn chặn các tác động xấu của ngoại lực, là an toàn thị trường trong nước dưới tác động của đại dịch COVID-19 có thể phá vỡ đi độ liên kết của các quốc gia trong hoạt động kinh tế.

Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng, có thể đạo luật này là tập hợp các quy định rải rác ở văn bản khác, mang tính tố tụng về kinh tế, đặc biệt trong thu hút đầu tư để chế định tất cả vấn đề mang tính nguyên tắc nhất nhằm xử lý các vấn đề an ninh kinh tế” – ông Vân nói.

Người Trung Quốc sở hữu đất có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng, tính đến ngày 30/11/2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành với tổng diện tích 162.467,7 ha (khu vực biên giới đất liền 943,7 ha, khu vực biên giới biển 5.393,7 ha kể cả mặt biển); tổng vốn đầu tư 30,872 tỷ USD (khu vực biên giới đất liền 1,637 tỷ USD, khu vực biên giới biển 29,235 tỷ USD).

Có 4.239 lao động người Trung Quốc đang làm việc tại các doanh nghiệp này; thời hạn thuê đất từ 5 đến 50 năm; lĩnh vực hoạt động chủ yếu là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản,…

Khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ở các tỉnh, thành: Đà Nẵng 22 doanh nghiệp, Quảng Ninh 17, Hải Phòng 16, Bình Định 09, Hà Tĩnh 05, Bình Thuận 05,…

Theo Bộ Quốc Phòng, một số doanh nghiệp đưa lao động người Trung Quốc sang làm việc nhập cảnh dưới hình thức du lịch. Họ còn sử dụng lao động Trung Quốc không khai báo, đăng ký theo quy định, có doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân tuyển dụng lao động người nước ngoài nhưng vẫn tuyển dụng (Bình Định, Đà Nẵng, Bình Thuận).

Nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư “núp bóng” danh nghĩa doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, nuôi trồng, chế biến, thu mua hải sản nhưng thực chất việc điều hành, quản lý do người Trung Quốc đảm nhiệm (Khánh Hòa, Quảng Ninh).

Còn một số doanh nghiệp dưới vỏ bọc kinh doanh, sản xuất nhưng đã có hoạt động tội phạm công nghệ cao, sản xuất ma túy (Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Phú Yên, Kon Tum); có doanh nghiệp trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường (Hà Tĩnh, Hải Phòng).

Đặc biệt, Bộ Quốc phòng cho biết người Trung Quốc đã sở hữu đất có vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Cụ thể từ năm 2011 đến 2015, khu vực biên giới biển thành phố Đà Nẵng có 134 lô, 01 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND thành phố tại các vị trí: Dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, thuộc phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn; khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang, quận Sơn Trà,…

Ngọc Long