Theo nhiều nhà khoa học Việt Nam, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, khai thác cát, nước ngầm quá mức, đập thủy điện “bẫy” trầm tích ở lại thượng nguồn khiến ĐBSCL ngày càng sạt lở, sụt lún.

khai thác cát, sạt lở ĐBSCL
Các thuyền khai thác cát và chở cát trên sông ở Vĩnh Long, tháng 1/2018. (Ảnh: Hien Phung Thu/Shutterstock)

Tại hội thảo quốc tế “Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng trong hệ thống sông ĐBSCL” do Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức tại An Giang ngày 26/11, giáo sư Mathias G.Kondolf (Đại học Berkeley, Hoa Kỳ) cho rằng mức độ khai thác cát hiện nay (35 triệu m3 năm 2011) cao gấp 4 lần lượng bùn cát được bồi đắp tự nhiên. Nếu các hoạt động khai thác cát, đập thủy điện “bẫy” trầm tích ở lại thượng nguồn và khai thác nước ngầm vẫn cứ tiếp diễn không được kiểm soát, sụt lún có thể tăng lên 2m, tối đa có thể lên 3m. Vùng ĐBSCL sẽ ngày càng bị thu hẹp lại và bị sụt lún nhanh.

Theo GS G.Kondolf, theo các dữ liệu về địa hình được cung cấp từ vệ tinh xử lý theo mô hình DEM, đa số vùng ĐBSCL nằm chưa tới 1m so với mực nước biển. Khi kết hợp dữ liệu mật độ dân số, vùng sinh sống của 15 triệu người ở ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nếu sụt lún 2m.

“Nhưng nếu chúng ta thay đổi về mặt quản lý thì có thể ngăn chặn sụt lún tới 60cm vào năm 2100, giảm diện tích bị mất đi tới 10%”, ông G. Kondolf nói. Một số giải pháp do ông gợi ý như thay thủy điện bằng điện gió và mặt trời hoặc nếu làm thủy điện thì cần quản lý được hoặc có giải pháp kỹ thuật để lượng trầm tích không bị chặn lại; ngoài ra có thể tham khảo cách làm của Hà Lan nhưng không được “bê nguyên xi” về vì tính chất của 2 vùng đất khác nhau.

Ông Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định ĐBSCL vốn là nơi chứa nhiều phù sa, cát do sông Mekong tải về. Từ 1992 trở về đây, sạt lở ngày càng gia tăng, bồi đắp ngày càng giảm. Nguyên nhân chính là do thiếu cát và phù sa, do các đập thủy điện chặn cát và việc khai thác cát trên sông Mekong ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Dòng nước bị thiếu phù sa sẽ nhẹ hơn, bị dư thừa năng lượng, chảy mạnh hơn, trong nghiên cứu thường gọi là “nước đói”, sẽ có khuynh hướng ăn vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, tự cân bằng động lực. Thiếu phù sa cộng việc cát bị khai thác làm cho đáy sông sâu hơn, bờ sông sẽ sụp đổ khi dòng nước ăn vào bờ và đáy sông.

Theo số liệu của Ủy hội Mekong quốc tế, so sánh giữa năm 1992 và năm 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mekong đã giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm (giảm 50%). Nếu thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia thì tải lượng phù sa mịn sẽ giảm còn 42 triệu tấn/năm.

Về cát, theo ông Thiện, với việc thêm 11 đập dòng chính ở Lào và Campuchia, 100% cát sẽ bị chặn lại, tức là sẽ không còn có cát sỏi nào về ĐBSCL. Nếu tiếp tục khai thác cát thì lòng sông sẽ sâu thêm, hiện lòng sông Tiền, sông Hậu đã sâu hơn 1,3m so với 10 năm trước. Không chỉ bờ sông mà bờ biển ĐBSCL cũng bị sạt lở, nhất là đoạn 250km từ Tiền Giang qua Sóc Trăng.

Biết trước rằng tương lai cát không về, còn lại là việc chúng ta ứng xử với đồng bằng ra sao” – chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện.

Ông Thiện cho hay nếu “chọn lấy cát, phải “hy sinh” ĐBSCL”.   

quốc lộ 91 sạt lở
Toàn bộ mặt đường Quốc lộ 91 đoạn qua An Giang gần như bị kéo sụp xuống sông Hậu. (Ảnh: baoangiang)

GS.TS Trần Linh Thước – hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết năm 2010 ĐBSCL có 99 điểm xói lở và sạt bờ, đến năm 2019, số điểm sạt lở đã tăng lên đến 681 điểm, tăng gần gấp 7 lần… “Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL đã đến hồi báo động và đòi hỏi phải có những giải pháp khẩn cấp để bảo vệ ĐBSCL”, ông Thước nói.

Tại An Giang, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, xuất hiện 78 điểm sạt lở với trên 91,2km bờ sông. Tại tỉnh Đồng Tháp, xuất hiện 52 điểm sạt lở dọc sông Tiền, sông Hậu, với tổng chiều dài và diện tích sạt lở là 28,5km và 17,98ha.

PGS.TS Đinh Công Sản, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam (Bộ NN-PTNT) cho hay để khắc phục sạt lở, đầu tiên phải quyết liệt ngăn chặn việc xây dựng các nhà máy thủy điện trên sông chính. Thứ hai là kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát, khai thác cát sẽ ảnh hưởng rất nhanh đến sự sạt lở, đồng thời ảnh hưởng cục bộ đến khu vực khai thác cát.

Thứ ba là vấn đề xây dựng cơ sở hạ tầng, cần quy hoạch đường giao thông và khu dân cư xa bờ sông càng nhiều càng tốt. Điều này sẽ giảm thiểu được mức độ nguy hiểm, đồng thời giảm được các công trình bảo vệ vốn rất tốn kém.

Ông Dương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường khuyến nghị cần giảm tải, di dời dân cư ra khỏi khu vực bờ sông, nghiên cứu, chế tạo vật liệu xây dựng có trọng lượng nhẹ, thay thế cát tự nhiên từ đó làm giảm khai thác cát tự nhiên.

Nguyễn Quân

Xem thêm: