Trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang ở mức báo động, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị áp dụng biện pháp tiêm thuốc với đối tượng vi phạm.

xâm hại tình dục, xâm hại trẻ em
Trong vòng 30 tháng, 4.912 trẻ em bị xâm hại, trong đó trên 80% bị xâm hại tình dục. (Ảnh minh họa: HTWE/Shutterstock)

Ngày 15/1, Đoàn giám sát của Quốc hội có buổi làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về việc thực hiện chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, ủy viên thường trực UB Tư pháp Nguyễn Thị Thuỷ cho biết tổng số trẻ em trên cả nước là 26,3 triệu em (chiếm gần 27% dân số).

Trong đó, có 11.530 trẻ chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở nhưng đã bỏ học đi kiếm sống.

Số lượng trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và trẻ có cha mẹ ly hôn là rất lớn và đều đang có chiều hướng gia tăng. Theo báo cáo, năm 2018 có 2.857.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 10,8% tổng số trẻ em, có 82.464 trẻ em có cha mẹ ly hôn, trong đó, số trẻ em dưới 7 tuổi là 43.718 trẻ.

Trong giai đoạn 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước phát hiện hơn 7.800 vụ xâm hại trẻ em, với gần 8.600 đối tượng xâm hại và số trẻ em bị xâm hại là gần 8.100 em.

So với giai đoạn 2011-2014, số trẻ em bị xâm hại tăng 880 trẻ, tỷ lệ 12,2%. Số trẻ em bị xâm hại giảm dần từ năm 2015 đến năm 2018, nhưng lại tăng đột biến trong năm 2019, riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.400 trẻ bị xâm hại, gần bằng số lượng cả năm 2018 (1.579 trẻ).

Các vụ việc xảy ra chủ yếu là xâm hại tình dục, gồm hơn 6.300 vụ với hơn 6.400 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, nhiều tỉnh, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90%, thậm chí gần 100%. Điển hình như Cần Thơ là 98,8%, Hậu Giang 95,8%, Kiên Giang 95,5%, Bến Tre 94,6%, Đồng Nai 94,2%,…

Đáng chú ý, Chính phủ cũng như các bộ, ngành chức năng đều có chung đánh giá, số lượng các vụ xâm hại được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em trên thực tế. Có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, hành vi xâm hại được tái diễn nhiều lần, với nhiều nạn nhân nhưng phải rất lâu sau đó mới bị phát hiện,…

Tại buổi làm việc, Ủy viên thường trực UB Khoa học – Công nghệ và Môi trường Trần Thị Quốc Khánh (ĐBQH Hà Nội) cho biết báo cáo mới liệt kê các đối tượng người nhà, người quen, hàng xóm, giáo viên, các cơ sở giáo dục… nhưng thực tế có cả đối tượng cán bộ, công chức nhà nước, cán bộ công an, kể cả Bí thư đoàn thanh niên, Bí thư chi bộ xâm hại trẻ em.

Bà Khánh cho hay những đối tượng này vẫn phải đưa vào báo cáo, để thấy được sự kinh khủng về sự tha hóa, xuống cấp trong đội ngũ cán bộ.

Nói về giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em, bà Khánh đề nghị tăng chế tài một cách quyết liệt và cần ứng dụng khoa học công nghệ.

Cụ thể, theo bà Khánh, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia bảo vệ, chăm sóc và phòng, chống xâm hại trẻ em. Cần có dữ liệu này để ai cũng biết, kể cả những kẻ xâm hại trẻ em được nêu tên ở đó, nếu trích xuất ra trong nước, quốc tế đều biết.

Những kẻ đó đi đâu, người ta nhìn thấy cái mặt đó là tránh xa” – bà Khánh nói.

Dẫn chứng thực tiễn các nước phát triển có loại thuốc, khi tiêm cho những kẻ bệnh hoạn sẽ triệt tiêu ý nghĩ xâm hại phụ nữ và trẻ em, từ đó bà Khánh đề nghị: “Tôi nghĩ chúng ta làm được, tôi đề nghị giao cho Bộ Y tế và Viện khoa học công nghệ Việt Nam. Chúng ta chỉ xử lý 2-3 ông là xã hội trật tự ngay, không có chuyện nhìn ngó đến phụ nữ, trẻ em là đối tượng yếu thế trong xã hội nữa”.

Hoàng Minh